Trong tọa đàm Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ ngày 12/10 ở Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Đức Liêm - người dẫn dắt sự kiện - đặt ra câu hỏi: "Sự thay đổi từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ quốc ngữ tạo ra sự đứt gãy trong văn hóa dân tộc?". Ông lấy ví dụ người Việt hầu hết không thể đọc chữ Hán Nôm ở các đình chùa và nghiên cứu kho văn tự cha ông để lại.
Tiến sĩ Trần Trọng Dương - một trong hai diễn giả - cho rằng việc chuyển sang chữ quốc ngữ là "lựa chọn không thể cưỡng lại của lịch sử". Ông điểm sơ lược các loại ngôn ngữ ở Việt Nam, theo đó, người Việt đến thế kỷ thứ hai mới có chữ viết, đó là chữ Hán. Sau khoảng 1.000 năm, đến triều Lý, cha ông sáng tạo chữ Nôm để ghi lại lời ăn tiếng nói, các câu hò vè. Khi các các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha, Italy và Pháp vào Việt Nam truyền đạo và sáng tạo chữ viết mới, họ cũng phải học chữ Nôm. Đến thế kỷ 20, trào lưu Latin hóa trở thành xu hướng ở nhiều nước, trong bối cảnh văn hóa in ấn của tư bản phát triển.
Ngoài ra, chữ quốc ngữ thể hiện sự đấu tranh giai cấp, thay đổi về ý thức hệ của trí thức Việt thời ấy. "Chữ Hán, chữ Nôm được coi là chữ viết của tầng lớp phong kiến. Muốn lật đổ phong kiến thì phải thay đổi. Việc chữ quốc ngữ được Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận năm 1945 đã chính thức 'khai tử' chữ Hán, Nôm".
Theo Tiến sĩ Kiều Ly - tác giả nhiều công trình ngôn ngữ, sự đứt gãy văn hóa không phải do ngôn ngữ mà bắt nguồn từ việc chương trình giáo dục thay đổi dưới sự can thiệp của người Pháp. Trong báo cáo năm 1910, họ thừa nhận sai lầm khi xóa hoàn toàn chữ Hán thời mới đô hộ Nam Kỳ, cần rút kinh nghiệm ở Bắc và Trung Kỳ. Theo đó, học sinh tiểu học vẫn học Hán, Nôm, lên cấp hai học tiếng Pháp. Năm 1940, khi thấy có quá nhiều người mù chữ, họ bỏ chữ Hán, Nôm, dạy chữ quốc ngữ ở bậc tiểu học. Ngoài ra, đến năm 1919, chế độ thi cử, chọn quan lại phong kiến bị bỏ, việc học Hán, Nôm ngày càng mai một.
Tiến sĩ Kiều Ly cho rằng việc chữ quốc ngữ phát triển là lựa chọn tự nhiên của cả người Pháp và người Việt. Người Pháp muốn kéo tầng lớp trí thức Việt Nam đến gần mình hơn. Người Việt lại cần một thứ tiếng dễ đọc, dễ hiểu, làm công cụ nâng cao dân trí, tuyên truyền, thấm nhuần các tư tưởng mới như "tự do, bình đẳng, bác ái".
"Nhờ có chữ quốc ngữ, hàng triệu người đọc, viết được chỉ sau ba tháng ở các lớp bình dân học vụ, trong khi cần hàng chục năm để nắm vững chữ Hán theo lối giáo dục cũ", Tiến sĩ Vũ Đức Liêm nói thêm.
Bà Kiều Ly nhận định Việt Nam là trường hợp đặc biệt so với các nước có nền Hán học như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và hai nước còn lại trong khối Đông Dương là Campuchia và Lào.
Người phương Tây cũng từng muốn phổ biến chữ Latin ở Trung Quốc, Nhật Bản nhưng không thành. Đầu thế kỷ 20, người Pháp từng Latin hóa tiếng Campuchia, gặp nhiều khó khăn vì ngôn ngữ này có quá nhiều nguyên âm. Ngoài ra, ở Lào và Campuchia thời ấy, hệ thống giáo dục chủ yếu do các thầy tu nắm giữ, nên người phương Tây khó can thiệp, thay đổi.
Tác giả Kiều Ly hiện làm việc tại khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2018, bà từng bảo vệ luận án Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latin của tiếng Việt (1615-1919) tại Đại học Sorbonne (Pháp).
Năm 2022, nhà xuất bản Les Indes Savantes (Pháp) đã xuất bản luận án của bà. Omega Books giới thiệu sách đến bạn đọc trong nước qua bản dịch của Thanh Thư, với tên Lịch sử chữ quốc ngữ. Sách được vinh dang ở hạng mục Phát hiện mới của giải Sách Hay năm nay. Kiều Ly còn viết cuốn Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ, dành cho trẻ em.
Tiến sĩ Vũ Đức Liêm là giảng viên Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông có bằng cử nhân và thạc sĩ Lịch sử tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2012, Vũ Đức Liêm nhận bằng thạc sĩ thứ hai về nghiên cứu Đông Nam Á ở Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), sau đó trở thành nghiên cứu sinh ngành lịch sử Việt Nam ở Đại học Hamburg, Đức.
Tiến sĩ Trần Trọng Dương hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, Nho học. Ông thỉnh giảng ở nhiều trường trong nước và Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ.
Hà Thu