10h sáng, cơ quan điều tra tiến hành khám xét nơi ở của vợ chồng Đức, Phương tại tại số nhà 24 ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi (Nhân Chính, Thanh Xuân). Hàng trăm người dân đã kéo đến xem. Thậm chí, một số tiểu thương ở chợ Thượng Đình còn bỏ bán hàng buổi sáng để "xem vợ chồng nó bị bắt thế nào".
Công an áp tải Trịnh Hạnh Phương. Ảnh: T.D. |
Tại nơi ở của Đức, Phương, cơ quan điều tra thu giữ một số vật chứng mà Bình khai được dùng để hành hạ, tra tấn em như: kìm kẹp thịt, roi dây điện, gậy phơi quần áo...
Trao đổi với VnExpress, Trưởng Công an quận Thanh Xuân Lê Mạnh Tuấn, cho biết, vụ việc kéo dài nhưng đến nay quận mới vào cuộc là do em Bình không trình báo với công an cũng như ít tiếp xúc với những người xung quanh.
"Chúng tôi đang tiếp tục điều tra làm rõ các hành vi khác của vợ chồng Đức, Phương. Trong quá trình thu thập chứng cứ, nếu đủ cấu thành tội khác, sẽ tiếp tục xử lý", ông Tuấn nói.
Theo xác minh của công an, khoảng 23h ngày 5/11, Công an quận Thanh Xuân nhận được tin báo Nguyễn Thị Bình, bị chủ quán Chu Minh Đức, Trịnh Hạnh Phương đánh đập, hành hạ dã man. Ngay sau đó, công an đã xác minh vụ việc, đưa Bình đi khám thương tật và xác định có những vết sẹo phù hợp với lời khai của Bình.
Sợi dây điện này là hung khí dùng để hành hạ em Bình. Ảnh: ANTĐ. |
Tại cơ quan điều tra, sau những phút phủ nhận ban đầu, cuối cùng bà Phương thừa nhận có sử dụng muôi bán phở hắt nước sôi vào người Bình, dùng tay đánh vào mặt, bắt lột quần áo quỳ gối để đánh. Còn ông Đức cho biết, có dùng tay đánh vào mặt và "phía dưới" của Bình.
Trước đó, chiều 6/11, khi được triệu tập đến làm việc tại cơ quan điều tra, cặp vợ chồng Đức - Phương phủ nhận việc đánh đập dã man Nguyễn Thị Bình, mà chỉ nhận là "dạy bảo" người làm.
"Họ tra tấn quá dã man"
Trao đổi với VnExpress, bà Hà Kim Bình, người đã cứu cô bé khỏi nhà vợ chồng Đức - Phương cho biết, sau nhiều lần chứng kiến cảnh cô gái bị hành hung, bà đã quyết định giải thoát cho Bình. 11h trưa ngày 20/10, bà Bình thuê xe ôm đến đón cô gái đi trốn. "Vừa chạy con bé vừa sợ bị chủ bắt lại", bà Bình nhớ lại.
"Tôi làm việc này chẳng phải là vì lợi lộc hay họ hàng máu mủ gì mà chỉ vì thương nó. Tôi không thể tưởng tượng được mức độ dã man của các hành vi tra tấn. Mọi người đều biết sự việc nhưng không ai dám đứng ra tố cáo. Thậm chí, đứa trẻ con ở đây cũng biết cô gái bị đánh đập, mắng chửi thế nào", bà lão 70 tuổi bức xúc.
"Cháu Bình kể, nhiều khi còn bị chủ bắt cởi quần áo, nằm giang tay ra để họ dùng chân đạp vào chỗ kín. Đau quá, nó co người lại và lấy tay che liền bị ông chủ chạy tới đá vào mặt. Trận đòn hiểm này khiến cháu không đi tiểu được và phải đi viện", bà Hà Kim Bình rơm rớm nước mắt.
Còn cô Nguyễn Thị Tuân, hàng xóm gia đình ông Chu Minh Đức, kể, hơn chục năm trước, trong lần đi chợ qua, cô từng chứng kiến cảnh bà Phương cầm con dao thái hành đập vào đầu Bình. Khi lên tiếng bênh vực thì cô Tuân liền bị vợ chồng ông Đức chửi rủa: “Tôi đánh cháu tôi phận sự gì chị can thiệp vào”.
Là hàng xóm nên cô Tuân biết khá rõ hoàn cảnh của Bình. Việc em bị đánh tím mặt đã trở thành chuyện thường ngày. "Những lúc vợ chồng Đức ăn cơm, Bình chỉ được cầm bát cơm ra ngoài sân đứng ăn. Chủ cho cái gì thừa thãi không ăn cũng bị đánh. Cùng là con người tôi không nghĩ họ lại đối xử với cô bé tàn ác thế”, cô Tuân nói.
Sau khi được cứu thoát, Bình được gia đình bà lão tốt bụng đưa lên trú tại một trang trại ở Hà Tây tĩnh dưỡng. Sau nửa tháng thoát khỏi sự tra tấn như cơm bữa, giờ Bình đã béo lên được 2 kg, những vết thương trên người em đang lành sẹo.
Chân em cũng chằng chịt vết sẹo. Ảnh: TTXVN.
"Cháu không ngờ bị mẹ bỏ rơi"
Sinh năm 1986 nhưng nhìn Nguyễn Thị Bình, không ai đoán cô đã 22 tuổi. Lưng cô gái này còng lại, hai chân khuỳnh ra, đi lại trông khá vất vả. Sau khi được đưa đi khám tại Bệnh viện 103, Bình đã tới công an quận Thanh Xuân để lấy lời khai. Do không biết chữ nên cô gái 22 tuổi này phải điểm chỉ vào bản khai.
Bình kể, khoảng năm 1993-1994, em theo mẹ xuống Hà Nội làm thuê cho quán phở của Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương ở số 24, ngõ 108B, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Không lâu sau, mẹ em bỏ đi và bảo "Tết mẹ quay lại đón". Từ đó, Bình bị giữ luôn lại, chưa một lần được về quê, ngay cả khi bà ngoại mất.
Theo Bình, mỗi ngày cô phải xách 20 thùng nước loại 20 lít nên người đi bị vẹo. Hơn chục năm làm quần quật suốt ngày nhưng không được trả đồng nào. Khách thương tình cho tiền thì bị chủ lấy mất và vu cho "tội" ăn cắp.
Làm quần quật từ 4h sáng tới 21h tối nhưng mỗi bữa cô gái đang ở tuổi ăn tuổi lớn này chỉ được chia cho 2 miếng thịt, thậm chí nhiều khi còn bị ăn đồ thừa của "cô chú". Nhà chật nên khi xong việc, cô gái này vẫn phải đứng ngoài sân chờ con trai ông chủ học bài xong mới được vào kê ván ra nền nhà ngủ.
Những trận đòn khiến Bình rùng mình mỗi khi nhắc đến chiếc roi điện "chuyên dùng màu vàng vàng, để một chỗ, khi nào cần là lấy ra". Trên lưng cô gái này chẳng chịt những vết sẹo vừa kịp liền da, hai bên mạng sườn là những vết thâm tím do bị kìm kẹp còn hai ngón chân cái cũng bị đánh nát đến mức bay mất móng.
Bình kể dịp giáp Tết vừa qua: "Trời mưa rét, 2h chiều, cô đánh em một trận bằng roi điện. 4h chiều cô lại tiếp tục bắt cởi quần áo đứng quỳ giữa sân. Đến 1h đêm, chú bảo cho vào nhà mặc quần áo chuẩn bị đi chợ nhưng cô nhất quyết không đồng ý. Để khỏi tê chân, em quỳ một đầu gối, đến khi mỏi thì đổi sang đầu gối kia".
Những trận đòn cơm bữa đã khiến lưng em như bị các vết sẹo xé nát. Ảnh: TTXVN.
Mặc dù nhiều lần có ý nghĩ trốn chạy khỏi sự tra tấn này nhưng thấy cô chú dọa "nếu tìm thấy sẽ đánh cả mày lẫn người cưu mang" nên cô gái lại từ bỏ ý định. "Mong muốn lớn nhất của em là được hòa nhập với mọi người. Giờ em không muốn gặp lại mẹ vì không ngờ lại bị mẹ bỏ rơi như thế!", Bình nói trong nước mắt.
Tiến Dũng - Xuân Tùng