TAND huyện Bình Chánh, TP HCM, vừa ra quyết định xét xử ông Nguyễn Văn Tấn (50 tuổi, ngụ quận Bình Tân) vào ngày 28/4 về tội Kinh doanh trái phép ở khung hình phạt "phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm".
Cáo trạng của VKS cho rằng ông Tấn bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh buôn bán, cà phê, nước giải khát, ăn sáng cơm trưa văn phòng khi chưa được cấp giấy chứng nhận kinh doanh nhưng tiếp tục vi phạm.
Trao đổi với VnExpress, ông Tấn cho biết, ngày 8/8/2015 ông khai trương quán cà phê đối diện trụ sở mới của Công an huyện Bình Chánh, kinh doanh nước giải khát, thức ăn sáng. Ông Tấn đã làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, được hẹn cấp giấy phép vào ngày 19/8/2015.
Trước khi có giấy phép 5 ngày, quán của ông Tấn bị 2 cán bộ Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra, lập biên bản xử lý về hành vi hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ông Tấn đưa ra giấy hẹn nhận đăng ký và các giấy tờ liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nhưng không được chấp thuận.
Ngày 17/8/2015, Công an huyện Bình Chánh lập biên bản ông Tấn vi phạm 5 hành vi: Hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định… với mức phạt là 17 triệu đồng.
Chủ quán sau đó đóng phạt trước ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề bán thực phẩm ăn uống, cà phê, nước giải khát…
"Đã có giấy phép nhưng chúng tôi dừng bán các món ăn sáng và cơm, chỉ phục vụ giải khát để cho các nhân viên đi tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ba ngày sau, tôi và các nhân viên làm việc tại quán khi đã được cấp giấy xác nhận việc này", ông Tấn nói và cho biết đến đầu tháng 9/2015 ông hoàn tất hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ phận tiếp nhận của UBND huyện Bình Chánh hẹn trả kết quả vào cuối tháng.
Ngày 10/9/2015, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục kiểm tra quán của ông, lập biên bản vi phạm hành chính với các lỗi: sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại, gây hại, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm, kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nửa tháng sau, Công an huyện ra quyết định khới tố ông Tấn về hành vi Kinh doanh trái phép và được VKS cùng cấp phê chuẩn.
Quá trình điều tra, ông Tấn cho rằng mình không phạm tội. Phòng Kinh tế tham mưu UBND huyện Bình Chánh có văn bản gửi cơ quan điều tra huyện khẳng định hộ kinh doanh của ông Tấn hoạt động đúng với ngành nghề đã đăng ký “không thuộc trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo đề nghị của công an huyện”.
Trong kết luận điều tra do Trưởng Công an huyện Bình Chánh ký có nội dung: "bị can Tấn đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội... Với những chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh nhận thấy có đủ cơ sở để kết luận hành vi phạm tội của bị can Nguyễn Văn Tấn". Đây là cơ sở để VKS huyện Bình Chánh ra cáo trạng.
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 đã bỏ tội Kinh doanh trái phép.
Tội kinh doanh trái phép 1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm ... |
Hải Duyên
>> Xem thêm: Nữ hiệu phó đi tù vì trốn thuế hơn một tỷ đồng