Ông Nguyễn Văn Tấn – Chủ quán cà phê Xin Chào (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết, hồi cuối tháng 7 mua hai thùng container, cắt làm bốn, đặt trên khuôn viên đất thuê làm quán giải khát.
Lực lượng chức năng của UBND thị trấn Tân Túc sau đó yêu cầu ông Tấn dời các vật này đi. Ông đã dời ba khúc container ra khỏi khuôn viên, khúc còn lại nằm sát quán cà phê ông xin giữ sử dụng làm chỗ đặt bồn rửa ly, chén, che chắn mưa nắng cho nhân viên.
Ngày 15/8, ông Tấn bị lập biên bản về hành vi xây dựng công trình vi phạm trật tự đô thị. Một ngày sau, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc Nguyễn Thanh Vũ ra quyết định đình chỉ thi công do "chủ đầu tư tổ chức thi công công trình khác (công trình container) trên đất không được phép xây dựng". Văn bản này cũng yêu cầu ngành điện, nước phải ngừng cung cấp cho ông Tấn; Công an thị trấn Tân Túc cấm phương tiện, người lao động vào công trình xây dựng.
"Quá thời hạn 3 ngày từ ngày ban hành quyết định, chủ đầu tư không phá dỡ bộ phận công trình, công trình vi phạm thì bị cưỡng chế", quyết định nêu.
Theo luật sư Phạm Công Hùng – nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM - biên bản vi phạm hành chính và quyết định đình chỉ thi công mà UBND thị trấn Tân Túc áp dụng đối với ông Tấn được "ban hành trái pháp luật".
Quyết định đã căn cứ vào Nghị định 180/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng để xử phạt. Tuy nhiên, Nghị định hướng dẫn thi hành luật này năm 2003 đã hết hiệu lực. Tại thời điểm biên bản vi phạm hành chính được lập thì Luật Xây dựng 2014 đang có hiệu lực và được thi hành từ ngày 1/1/2015.
Quyết định nêu "chủ đầu tư tổ chức thi công công trình khác (công trình container)" nhưng Điều 13 Nghị định 121/2013 đang có hiệu lực lại quy định về xử phạt việc tổ chức thi công xây dựng chứ không phải "thi công công trình khác".
"Việc vẽ ra một hành vi vi phạm không có căn cứ pháp lý để áp vào xử phạt là không đúng luật. Quyết định này của cơ quan chức năng thị trấn Tân Túc yếu về nhận thức và áp dụng pháp luật, đồng thời cũng thể hiện một sự trái đạo lý, cản trở việc làm ăn lương thiện của dân", ông Hùng nói.
Cùng quan điển, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014 giải thích: "Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế..."
"Trường hợp đặt đoạn container trên đất nông nghiệp mà gọi là công trình xây dựng thì cần xem xét lại", luật sư Quynh nói và cho biết Luật Xây dựng năm 2014 cũng không cho phép cơ quan chức năng thực hiện việc cắt điện, nước của công trình xây dựng vi phạm, "căn cứ ra quyết định của UBND thị trấn Tân Túc là vi phạm pháp luật".
Hiện, lãnh đạo huyện Bình Chánh tạm đình chỉ quyết định của UBND thị trấn Tân Túc, chờ xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM để đảm bảo việc xử lý có lý, có tình.
Trước đó, trong thời gian ông Tấn xin cấp phép kinh doanh quán cà phê Xin Chào (đối diện Công an huyện Bình Chánh) đã nhiều lần bị kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính sau đó bị khởi tố về hành vi Kinh doanh trái phép.
Khi vụ án sắp được đưa ra xét xử, lần lượt lãnh đạo TP HCM và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đề nghị kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ án. Công an TP HCM, VKSND TP HCM họp liên ngành, yêu cầu đình chỉ vụ án và bị can đối với ông Tấn. Một loạt cán bộ liên quan vụ việc bị xử lý kỷ luật.
Hải Duyên