Từ một phụ nữ nuôi cá thành đạt, bà Mai giờ vướng lao lý. Ảnh: Duy Khang |
Ngày 31/12, TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết vụ án nông dân nuôi cá tháo gỡ tài sản của Doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng (ở thị xã Vĩnh Châu) được xét xử vào ngày 23/1/2013. Tuần trước, tòa hoãn xử do người liên quan là Khưu Chí Thức (nguyên phó giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Vạn Hưng) vắng mặt. Thanh niên 29 tuổi này đang chấp hành án tại trại giam của Bộ Công an về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một vụ án khác.
Theo TAND tỉnh Sóc Trăng, giám đốc Doanh nghiệp Vạn Hưng Huỳnh Dù Táng là bị hại vì VKS cáo buộc hai nông dân Phạm Thị Mai (41 tuổi) và Võ Thanh Tùng (32 tuổi, cùng ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) phạm tội Cưỡng đoạt tài sản khi lấy tài sản của doanh nghiệp để trừ nợ.
Theo hồ sơ, năm 2009 bà Mai và ông Nguyễn Văn Liền (huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) hùn vốn nuôi cá, bán cho Vạn Hưng trên 335 tấn, trị giá gần 5 tỷ đồng. Sau nhiều lần thanh toán, Vạn Hưng còn nợ 2,8 tỷ đồng.
Ngày 7/2/2010 Thức ký cam kết tự nguyện giao tủ đông tiếp xúc, tủ đông gió, hầm đông gió, băng chuyền đông, kho lạnh 100 tấn và máy phát điện cho ông Trương Văn Hoàng ở quận Thốt Nốt để mang đi cầm cố, thế chấp hoặc thanh lý để trả nợ ông Liền. Sau đó, ông Hoàng ủy quyền cho ông Liền. Ông Liền ủy quyền cho bà Mai để thu hồi nợ theo cam kết của Thức.
Con và em gái của bà Mai bật khóc khi nhìn người thân bị bắt. Ảnh: Duy Khang |
Cuối năm 2010, nợ giảm xuống còn hơn 1,6 tỷ đồng. Ngày 20/12/2010, Mai cùng Táng và Thức đến UBND xã Vĩnh Châu (nay là phường 2, thị xã Vĩnh Châu) làm cam kết thanh toán nợ trong vòng 20 ngày, nếu không thì Mai sẽ tháo máy móc của Vạn Hưng trừ nợ.
Ngày 20/1/2011, Mai đặt vấn đề mua lại Vạn Hưng để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Táng với Thức đồng ý bán toàn bộ tài sản của doanh nghiệp với giá 5,5 tỷ đồng. Mai đặt cọc 1,65 tỷ đồng, giao cho chị ruột là Phạm Thị Khanh đứng tên trên hợp đồng, được UBND xã Vĩnh Châu chứng thực.
Theo thỏa thuận, ngày 18/2/2011 Mai xuống Vĩnh Châu làm thủ tục nhận tài sản nhưng Táng lánh mặt, không bàn giao nhà máy. Lúc này, Quỹ Tín dụng Trung ương chi nhánh Sóc Trăng cho biết nhà xưởng gắn liền với đất mà Vạn Hưng bán cho bà Mai đã được Táng thế chấp vay 4 tỷ đồng từ tháng 7/2010.
Quá bức xúc, từ ngày 19 đến 28/2/2011 Mai cho người đến Vạn Hưng lấy đi nhiều tài sản. Hai ngày sau, một chủ nợ khác là Võ Thanh Tùng (32 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) đến Vạn Hưng đòi gần 400 triệu đồng tiền bán cá. Thấy nhà máy thủy sản đã có người tháo gỡ tài sản, Tùng vào lấy bàn gỗ, máy nén, máy ép...
Vợ con của Tùng (trái). Gia đình này và nhiều nông dân miền Tây lâm vào cảnh túng quẩn, bán hết đất đai vì bị Doanh nghiệp Vạn Hưng bội tín. Ảnh: Duy Khang |
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết trong trường hợp này người có quyền sở hữu tài sản tại Vạn Hưng chưa được xác định rõ bởi tháng 2/2010 Thức đã ký cam kết giao nhiều máy móc, thiết bị cho ông Hoàng. 5 tháng sa, bà Táng lại mang cả nhà máy thế chấp cho quỹ tín dụng để vay tiền tỷ.
"Đến tháng 1/2011, Táng tiếp tục mang nhà máy bán cho bà Mai nên hành vi của Mai không thể xem là cưỡng đoạt tài của doanh nghiệp Vạn Hưng", luật sư Thành nêu quan điểm.
Không chỉ bội tín với Mai và Tùng, ba năm qua Vạn Hưng còn làm nhiều nông dân miền Tây điêu đứng vì không thanh toán dứt điểm tiền mua cá. Không chỉ vậy, Thức còn lừa Công ty TNHH Phước Anh bằng cách tẩy xóa ủy nhiệm chi đã qua sử dụng để fax cho đối tác vào tháng 9/2010. Tin tưởng Thức, Công ty Phước Anh giao hàng trị giá trên 230 triệu đồng trong khi tài khoản của Vạn Hưng tại ngân hàng lúc ấy chỉ còn hơn một triệu đồng. Với hành vi này, TAND Tối cao tại TP HCM vừa tuyên phạt Thức 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Duy Khang