Thông tin được các nhà khoa học chia sẻ trong đối thoại với những người đạt giải thưởng VinFuture 2024 tổ chức tại Hà Nội ngày 7/12.
Giáo sư Kristi S. Anseth, 55 tuổi, Đại học Colorado Boulder, Mỹ, chủ nhân giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ với những đóng góp tiến bộ trong thiết kế vật liệu polymer và các phương pháp cho ứng dụng y sinh nhấn mạnh rằng: con đường đến với thành công không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Bà đã bắt đầu với đam mê kỹ thuật và toán học, nhưng đã quyết định chuyển sang lĩnh vực kỹ thuật y sinh vì đam mê cải thiện sức khỏe con người.
"Tôi nhận ra sự đổi mới trong y sinh học có thể giải quyết những vấn đề lớn lao. Khi quyết định chuyển hướng, tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các nhà khoa học, người cố vấn và đồng nghiệp", bà nói.
GS Michel Sadelain, 64 tuổi, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Mỹ, chủ nhân giải đặc biệt chia sẻ về con đường nghiên cứu liệu pháp tế bào CAR-T giúp điều trị hiệu quả các bệnh ung thư và tự miễn. Ban đầu ông làm trong lĩnh vực dịch tễ. Tuy nhiên, sự tò mò và khát khao hiểu biết đã dẫn dắt ông chuyển sang lĩnh vực lâm sàng. "Tôi không biết ngay từ đầu mình sẽ đi đâu, nhưng sự tò mò đã giúp tôi tìm ra hướng đi phù hợp".
GS Carl H. June, 71 tuổi, Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania, Mỹ cũng là chủ nhân giải đặc biệt cho nghiên cứu các lĩnh vực mới và là nhà tiên phong trong liệu pháp tế bào CAR-T, cho biết thành công không đến dễ dàng. Từ một sĩ quan hải quân trong thời chiến, ông bước vào thế giới nghiên cứu sinh học với tinh thần sẵn sàng học hỏi và chấp nhận rủi ro. "Có những lúc chúng ta không biết chắc chắn con đường phía trước, nhưng việc không ngừng tìm kiếm cơ hội sẽ giúp ta tiến xa hơn" ông nói.
Một trong những bằng chứng cho thành công trong nghiên cứu khoa học là câu chuyện về cô bé Emily, bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được điều trị thành công bằng liệu pháp tế bào CAR-T do nhóm của GS Carl H. June phát triển. Emily bị bệnh lúc 7 tuổi và không còn hy vọng chữa trị. Tuy nhiên, phương pháp CAR-T đã cứu sống cô bé, và sau 14 năm, Emily là một sinh viên khỏe mạnh.
"Thành công không đến ngay từ đầu. 25 năm trước, ý tưởng về liệu pháp CAR-T từng bị coi là viễn tưởng và nguy hiểm. Nhưng chúng tôi không bỏ qua, cẩn thận tiếp cận, thử nghiệm và cải tiến. Chính những rủi ro chấp nhận ngày ấy đã tạo nên kỳ tích hôm nay" GS June nhấn mạnh.
Các nhà khoa học đều đồng tình vai trò quan trọng của người cố vấn trong việc định hướng nghề nghiệp. GS Anseth kể về giáo sư Leslie Leinwand, người đã truyền cảm hứng và dạy bà kỹ năng giao tiếp, hợp tác. Giáo sư June cũng nhớ về thầy giáo lớp 7 và huấn luyện viên bóng giáo dục – những người giúp ông có thể ra quyết định.
Trong khi đó, GS Sadelain khuyến khích các bạn trẻ tích cực tạo mối quan hệ với giảng viên, đồng nghiệp và thậm chí cả những người bạn đồng hành tình cờ gặp gỡ trong cuộc sống. "Sở hữu những người cố vấn tốt là yếu tố quan trọng. Họ không nhất thiết phải là các nhà khoa học nổi tiếng, đó có thể là bạn bè, gia đình, hay đồng nghiệp. Hãy luôn mở lòng và sẵn sàng học hỏi" ông nói.
GS Kristi S. Anseth cũng khuyên sinh viên hãy tìm những cố vấn từ nhiều lĩnh vực và bắt tay nghiên cứu sớm. "Tôi muốn khuyên các nhà khoa học trẻ, các sinh viên hãy bắt đầu sớm, tìm kiếm nhiều người cố vấn từ các lĩnh vực khác nhau", bà nói.
Tối 6/12 giải thưởng VinFuture 2024 đã trao cho 10 nhà khoa học với 4 hạng mục. Trong đó, giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD (hơn 76 tỷ đồng) trao cho 5 nhà khoa học. Ba giải đặc biệt mỗi giải trị giá 500 nghìn USD (gần 13 tỷ đồng) dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và ba nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
Đây là năm thứ tư giải thưởng được tổ chức bởi Quỹ VinFuture, được sáng lập bởi Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương. Giải thưởng vinh danh những phát minh, công nghệ đột phá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người và thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề, dịch vụ có ý nghĩa quan trọng đối với nhân loại.
Nhật Minh