Căn chung cư của chị Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có nhiều cửa sổ ở tất cả các phòng khách, bếp, phòng ngủ. Khi mới nhận nhà, chị lắp rèm một lớp có độ dày vừa phải cho tất cả các cửa sổ. Sau 7 năm, chị quyết định thay mới rèm roman trông kiểu cách hơn, có thể kéo lên xuống. Tuy nhiên, khi lắp đặt, chị chọn rèm có kích thước đúng bằng khung cửa để trông gọn gàng. Sai lầm là, với rèm đó, ánh nắng vẫn lọt qua các khe hở giữa rèm và thành cửa sổ, trưa hè nắng gắt khiến phòng sáng rực, rất khó ngủ.
Được một thời gian, cảm giác bị nắng xuyên vào chỗ ngủ khiến mọi người trong nhà chịu không nổi. Chị Linh chuyển sang loại rèm lá theo lời giới thiệu của người bán hàng. Lúc đầu thao tác, rèm có thể linh động khép kín các lá hoặc mở rộng dễ dàng. Nhưng do kéo ra vào nhiều, các lá bị xô lệch nên nắng xuyên qua các khe hở còn nhiều hơn rèm roman.
Chán nản với các thử nghiệm rèm kiểu mới, chủ nhà quay lại với rèm vải thông thường. Do nhà có quá nhiều ánh sáng nên chị Linh chọn luôn loại vải rất dày cho mọi cửa sổ trong nhà. Nhờ đó, các thành viên có giấc ngủ ngon khi phòng ngủ tĩnh mịch trong những ngày nắng gay gắt từ sáng sớm tinh mơ. Dù vậy, kiểu rèm dày một lớp lại không thích hợp với không gian sinh hoạt chung như phòng khách. Vào các ngày nắng vừa phải, gia đình vẫn phải kéo kín rèm khiến nhà trở nên tối tăm, cần bật đèn bổ sung ánh sáng.
Vào mùa hè năm nay, chị Linh dự định giữ lại rèm dày một lớp cho phòng ngủ, còn các phòng khác sẽ chuyển qua dùng rèm hai lớp để dễ dàng điều tiết ánh sáng theo điều kiện ngoài trời.
Chị cũng chia sẻ thêm: "Tôi rút thêm một kinh nghiệm cho bản thân sau này khi muốn đổi chung cư. Tôi sẽ không chọn nhà có quá nhiều cửa sổ chia lẻ như căn hộ hiện tại. Gia đình vừa tốn tiền làm rèm mà thực tế, nhiều cửa sổ phải đóng bớt vì thừa sáng".
KTS Ngọc Anh cho biết, vấn đề chị Linh cần giải quyết là lựa chọn rèm thích hợp từng không gian. Rèm vải hai lớp là giải pháp tiện lợi, dễ điều tiết ánh sáng cho mọi phòng. Tuy nhiên, gia đình chị có quá nhiều cửa sổ với các kích thước khác nhau nên nếu chỉ dùng một loại rèm này sẽ tốn kém nhiều tiền. Thay vào đó, chị có thể linh hoạt thay đổi loại rèm khác tùy chức năng của từng phòng để tạo sự sinh động và tiết kiệm chi phí hơn. Kiến trúc sư đưa ra tư vấn về một số loại rèm phổ biến trên thị trường hiện nay:
Rèm vải hai lớp: Đây là loại rèm tiện dụng thích hợp với mọi phòng, dễ dàng điều tiết ánh sáng. Khi nắng gắt, gia chủ có thể khép cả hai lớp rèm lại. Lúc có nắng nhẹ, bạn chỉ cần dùng lớp rèm mỏng để ánh sáng lọt vào. Tuy nhiên, chi phí làm rèm sẽ cao. | Rèm vải một lớp: Loại rèm này cách nhiệt tốt, cản nắng nóng, khí lạnh ngấm vào nhà. Tuy nhiên, nhà sẽ tối thui khi bạn khép kín rèm. Khi trời nắng vừa phải, bạn sẽ không tận dụng được nguồn sáng tự nhiên. Nếu vẫn muốn sử dụng loại rèm này, bạn dùng loại vải dày cho phòng ngủ, vải vừa phải cho phòng khách. |
Rèm roman: Chủ yếu làm từ vải sử dụng dây cuốn kéo lên. Chỉ thích hợp với các khung cửa sổ nhỏ, không kéo lên xuống nhiều. | Rèm sáo gỗ: Phù hợp với các gia đình thích sử dụng vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên. Tuy nhiên, rèm dùng lâu có thể bị xô lệch, lọt ánh sáng qua các khe, kéo lên xuống không thuận tiện. |
Rèm lá dọc: Vẫn để lọt ánh sáng qua các khe giữa lá rèm. Thích hợp với không gian có diện tích lớn, không cần cản nắng tuyệt đối như văn phòng. | Rèm lá ngang: Thích hợp với các khung cửa sổ nhỏ, chủ nhà ít kéo lên xuống nhiều vì các lá ngang dễ bị xô lệch. |
Rèm cuốn: Thiết kế gọn nhẹ, có thể dùng trong các khung cửa nhỏ. Nếu cửa sổ lớn sẽ mất thời gian kéo mở, dễ có khe ánh sáng chiếu lọt giữa các mảng rèm. | Rèm trang trí: Những kiểu rèm vải điệu đà, được thắt nơ, buộc dây mang tính chất trang trí là chủ yếu. Bạn có thể sử dụng cho các khung cửa sổ nhỏ ở khu vực ít bị nắng chiếu. |
An Yên