Luật sư Lê Vĩnh Thụy (Công ty Luật TNHH Sen Vàng) khẳng định không có quy định nào cấm đỗ xe trước cửa nhà người khác. Việc đỗ xe được điều chỉnh bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Luật Giao thông cấm dừng, đỗ xe tại các vị trí như: bên trái đường một chiều; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức...
Khi đỗ xe trên đường phố, người lái phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông.
Tài xế cũng không được dừng, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước.
Nếu đoạn đường qua nhà chị Huệ không có biển cấm đỗ và không thuộc các trường hợp trên, người khác đỗ xe trước cửa nhà chị là đúng luật nên cảnh sát không thể xử phạt tài xế.
Luật sư Thụy khuyên chị Huệ tuyệt đối không được tạt sơn, chất bẩn; cào xước vỏ xe... bởi như vậy sẽ bị xử phạt hành chính thậm chí chịu khởi tố về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu chị thuê cứu hộ cẩu xe của anh ta đi "giấu chỗ khác", dù chỉ để người này sợ cũng rất dễ bị truy cứu về tội Trộm cắp tài sản.
Chị không được lắp đặt vật chắn trước cửa nhà mình như đinh, cột bê tông, cọc tiêu... bởi người đi đường có thể đâm vào, xảy ra tai nạn. Nếu vậy, chị sẽ bị xử lý theo chế tài hành chính hoặc hình sự, tùy hậu quả.
Giải pháp tối ưu cho chị Huệ là nói chuyện lại với chủ xe, hoặc các bên lấy số điện thoại của nhau để di chuyển xe vào những lúc gia đình cần đi lại thuận tiện. Gia chủ cũng có thể nhờ tổ dân phố, các đoàn thể can thiệp, giúp "thỏa thuận" bởi hành vi đỗ xe chắn cửa đã làm ảnh hưởng tới sinh hoạt.
Song Minh