Khi em mới đến ở, bà nói thu để đi làm tạm trú tạm vắng, nhưng từ đầu tháng 4 đến nay chưa trả.
Mỗi khi có việc cần dùng đến giấy tờ tùy thân, em chạy đến mượn thì chủ nhà đều đưa nhưng bắt hôm sau phải mang đưa lại. Họ nói là làm vậy để "nắm đằng chuôi", tránh bọn em lừa đảo, trộm cắp, bùng tiền nhà...
Chủ nhà trọ giữ của rất nhiều người thuê, không chỉ mình em.
Em cần làm gì lúc này? Việc giữ giấy tờ tùy thân như vậy có sai pháp luật không?
Độc giả Đức Long
Nêu quan điểm về vấn đề của bạn Long, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho biết theo khoản 2 Điều 28 Luật Căn cước công dân năm 2014 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, chỉ Thủ trưởng cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mới có quyền quyết định việc tạm giữ thẻ căn cước công dân, trong các trường hợp người đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.
Theo quy định trên, chỉ những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền được đề cập mới được tạm giữ thẻ căn cước công dân/chứng minh thư.
Luật sư Bình nhận định, chủ nhà trọ bạn Long đã "chiếm đoạt giấy tờ tùy thân của công dân", là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, hành vi chiếm đoạt, sử dụng chứng minh thư, thẻ căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số chứng minh nhân dân của người khác sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng.
Điều 69 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cho phép thẩm quyền xử phạt thuộc về công an cấp xã. Do đó, luật sư Bình khuyên bạn Long cần yêu cầu chủ nhà trao trả lại giấy tờ. Nếu không được, bạn đến công an phường, xã nơi đang sinh sống để trình báo và đề nghị cơ quan công an yêu cầu chủ trọ trả lại.
Hải Thư