1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Theo điều luật trên, người bạn của bạn đã thực hiện hành vi ăn trộm nhưng tài sản dưới dưới một triệu đồng thì chưa đủ lượng tiền chiếm đoạt để vi phạm pháp luật.
Trừ một số trường hợp người bạn đó trước đây đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội liên quan đến chiếm đoạt tài sản hoặc vi phạm các điều quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 điều 172 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, hành vi trộm cắp của người bạn đó có thể bị xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự tùy từng trường hợp như trên.
Đối với phần dân sự là bồi thường thiệt hại cho bị hại thì trong sự việc này người ăn trộm phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra chính là số tiền bị lấy trộm (dưới 1 triệu) nên yêu cầu 1 triệu đền 10 triệu là không có căn cứ.
Ngoài ra, người bị mất trộm mà ra điều kiện "trộm 1 đền 10 nếu không sẽ báo công an" thì hành vi này đang uy hiếp về mặt tinh thần của người lấy trộm và có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự.
Do đó, luật sư khuyên người bạn của bạn nên có lời xin lỗi chủ nhà và tìm cách nói chuyện, thống nhất về việc bồi thường để đảm bảo phương diện tình cảm và cả quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Đại Hải
Công ty Luật TNHH Fanci