
Một gái mại dâm chào hàng ở cửa của một nhà chứa tại Amsterdam. Ảnh: AFP
Theo BBC, phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (EJC) được đưa ra hôm 1/10 sau khi giới chức thủ đô Amsterdam từ chối cấp giấy phép mới cho một chủ chứa ở khu đèn đỏ của thành phố.
EJC đồng tình với quyết định này vì ông chủ trên không thể nói tiếng Hungary hoặc Bungaria, ngôn ngữ mẹ đẻ của những cô gái bán dâm, để xác nhận xem họ có là nạn nhân buôn người hoặc bị ép bán dâm hay không.
Tuy nhiên, chủ nhà chứa cho hay ông có thể sử dụng thông dịch viên hoặc phần mềm dịch thuật trực tuyến để thay thế. Ông này cũng viện dẫn luật thị trường của Liên minh châu Âu (EU) và cho rằng thị trưởng thành phố đang phân biệt đối xử và không công bằng.
ECJ bác bỏ lập luận trên, viện dẫn những nguyên nhân liên quan đến lợi ích công cộng.
Ở Hà Lan, các nhà chứa là hợp pháp và được địa phương cấp phép. Tuy nhiên giới chức ở đây đang phải nỗ lực đối phó với nạn buôn người và lạm dụng tình dục.
Trong một thông cáo, EJC cho rằng các chủ nhà chứa Hà Lan buộc phải biết giao tiếp cùng ngôn ngữ với gái mại dâm vì chỉ như vậy họ mới có thể ngăn chặn được tình trạng lạm dụng và vi phạm hình sự đối với những nhân viên của mình.

Phố đèn đỏ ở Amsterdam. Ảnh: Wikimedia Commons
Theo một blogger có bút danh Felicia Anna, cũng là gái bán dâm ở Amsterdam, giao tiếp chính là chìa khóa để chống lại những vấn nạn như buôn người.
Tuy nhiên, cô cũng cho hay hầu hết các gái bán dâm mà cô biết đều có thể giao tiếp với chủ của mình cũng như khách hàng và cơ quan hành pháp bằng ngôn ngữ thứ hai như tiếng Hà Lan hoặc tiếng Anh.
Cô lo ngại quy định mới về ngôn ngữ có thể khiến những cô gái không biết hai thứ tiếng trên không thể làm việc ở những nhà chứa hợp pháp, được xem là an toàn hơn so với mại dâm đường phố.
Nghề mại dâm được hợp thức hóa ở Hà Lan và Đức từ năm 2002. Theo luật pháp Hà Lan, những người tổ chức mại dâm phải đăng ký tại các phòng thương mại và nộp thuế.
Khoảng ba phần tư phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp mại dâm của Amsterdam là người nước ngoài, chủ yếu đến từ các quốc gia Đông Âu, châu Phi hoặc châu Á.
Tuấn Vũ