Người gửi: Sinh viên Mat-xcơ-va
Gửi tới: Ban Thế giới
Tiêu đề: Chủ nghĩa phát-xít mới ở Nga: nguyên nhân và biện pháp ngăn chặn.
Nguyên nhân của những sự việc này từ đâu?
Nhìn từ khía cạnh xã hội nước Nga, đây là thời điểm sau khi Liên Xô tan rã và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa sụp đổ - tôi muốn nhấn mạnh: khi bạn đặt tất cả niềm tin, nhiệt huyết, trí tuệ và sức lực vào một lý tưởng, thế rồi cái lý tưởng đó bỗng đổ vỡ ngay trước mắt bạn vô phương cứu chữa. Bạn đã thử đặt mình vào tình cảnh này chưa? Đi kèm với sự kiện trên là những cuộc khủng hoảng kinh tế, lạm phát. Bạn hãy tưởng tượng: theo thói quen hằng ngày, bạn rẽ vào quán phở và bỗng nhận thấy rằng số tiền bạn đang có không thể mua nổi một cái quẩy. Người Nga sống trong giai đoạn này quả thực đã kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nhưng đối với người nước ngoài thì giai đoạn khủng hoảng chính trị, kinh tế này của nước Nga lại là một mảnh đất vô cùng màu mỡ. Không phải ngẫu nhiên mà từ đó đã sinh ra những người vô cùng giàu có. Thêm vào đó là sự xuất hiện hàng loạt những khu chợ lớn và sầm uất vào bậc nhất Đông Âu mà ở đó phần lớn là người nước ngoài buôn bán và làm việc. Từ đó đã sinh ra một quan điểm rằng: người nước ngoài đã cướp mất việc làm và bánh mì của người Nga. Và đã là quan điểm thì sẽ có nhiều đánh giá khác nhau. Người hiểu biết thì cho rằng đó là một hiện tượng bình thường khi đất nước đang chuyển hướng sang kinh tế thị trường. Người không hiểu biết thì cho rằng quan điểm trên là đúng.
Ngoài ra vào thời điểm đó, báo chí Nga thường xuyên đưa tin về việc người nước ngoài sống bất hợp pháp (không visa, hộ khẩu) và hàng loạt những vụ cướp bóc, giết người, buôn bán ma tuý do người Kavkaz và người Trung Á thực hiện. Báo chí đã hoàn toàn thành công tạo nên một hiệu ứng xã hội, hay nói cách khác đã tạo nên trong tâm lý của người Nga suy nghĩ bài trừ người nước ngoài.
Khi mà xã hội loạn lạc, người dân nghèo, mức sống thấp sẽ dẫn đến việc trẻ em không được giáo dục một cách đầy đủ về cả tri thức lẫn nhân cách. Các em dễ bị lôi kéo vào những trào lưu xấu và các tệ nạn xã hội.
Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên những tiền đề và điều kiện rất tốt cho một số kẻ cực đoan, bắt chước những trào lưu phát xít mới ở Anh, Mỹ và đem về truyền bá công khai hay trốn tránh pháp luật ở Nga. Thực tế trong những năm cuối của thập niên 90 đến nay, chủ nghĩa phát xít mới đã rất phát triển. Bằng chứng là sự gia tăng về số lượng của các đảng phái và thành viên cực đoan, phát xít mới.
Nhưng như vậy không có nghĩa rằng người Nga cần chủ nghĩa phát-xít. Ngược lại, cần phải tiêu diệt hết những đảng phái và nhóm phát-xít mới này. Đây cũng là ý muốn của phần lớn người Nga hiện nay. Vì con người ai cũng có quyền sống như nhau bất kể màu da, tôn giáo, chủng tộc. Cả thế giới đã phải trả biết bao máu, nước mắt và của cải để tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít. Thật là phản lịch sử, phản văn minh của loài người nếu chúng ta - những con người của thiên niên kỷ mới, hoà bình mà lại công nhận chủ nghĩa phát-xít.
Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước Nga từ khi Putin lên nắm chính quyền đã ổn định hơn. Và hy vọng rằng cái chết của Vũ Anh Tuấn là cái chết cuối cùng do chủ nghĩa phát-xít. Để làm được điều này, bản thân chúng ta, mỗi người hãy có lấy một phương pháp riêng (hãy nhìn lại những quá trình đã tạo nên những điều kiện tiền đề cho chủ nghĩa phát xít để rút kinh nghiệm) và về phía chính phủ Nga cũng cần có những biện pháp quyết liệt hơn.
Cuối bài này chúng tôi xin được chia sẻ nỗi đau với gia đình của Vũ Anh Tuấn.
Mát-xcơ-va, 19.10.2004