Khắc kỷ - chủ nghĩa "thời thượng"
Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học được khai sinh tại Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ ba trước Công nguyên. Với trọng tâm là đạo đức thực hành, con người sẽ hướng tới việc đạt hạnh phúc và bình an nội tâm thông qua rèn luyện lý trí, kiểm soát cảm xúc và sống hòa hợp với tự nhiên.
Chủ nghĩa này chia mọi chuyện thành ba nhóm: Nhóm một: Những điều ta có thể kiểm soát (hành động và suy nghĩ của bản thân). Nhóm hai: Những điều ta không thể kiểm soát (yếu tố tự nhiên và hành động của người khác). Nhóm ba: Những điều ta có thể kiểm soát một phần (công việc có sự tham gia của người khác).
Dựa trên nền tảng phân loại, người khắc kỷ xây dựng một tri kiến cơ bản: Hầu hết đau khổ của con người có nguồn gốc từ việc họ vui thích, buồn rầu vì những hiện tượng tự nhiên, tiến trình xã hội, hoàn cảnh không phụ thuộc vào họ - những điều bản thân không thể kiểm soát. Lời khuyên của chủ nghĩa là hãy tập trung vào nhóm một, mặc kệ nhóm hai và lên kế hoạch cho nhóm ba.
Phương châm sống này tỏ ra khá phù hợp và hiệu quả khi con người đối mặt nhiều thách thức từ hoàn cảnh khách quan. Nhờ vậy, chủ nghĩa khắc kỷ được nhắc đến, tìm hiểu và thực hành khá nhiều trong khoảng chục năm trở lại đây.
Giữa Covid-19, độc giả phương Tây say mê nghiên cứu những trước tác kinh điển chủ nghĩa khắc kỷ. Số bản in cuốn Suy tưởng (Meditations) của Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius (121 - 180) - nhà hiền triết kiệt xuất của chủ nghĩa khắc kỷ, tăng 28% trong nửa đầu năm 2020 so với năm 2019. Doanh số bản in quyển Letters from a Stoic của Lucius Annaeus Seneca tăng 42%, còn bản điện tử tăng đến 356%. Trong nước, bản dịch Seneca: Những bức thư đạo đức bán được hơn 10.000 cuốn.
Thời kỳ hậu Covid-19, chủ nghĩa này tiếp tục nổi lên như trào lưu được công chúng ưa thích, không còn giới hạn ở những bài giảng triết học. Còn được gọi là "chủ nghĩa khắc kỷ hiện đại", tư tưởng hồi sinh và "bắt nhịp" khá ăn ý với đời sống 4.0, tiếp cận đại chúng bằng nhiều hình thức phong phú như podcast, email, mạng xã hội, sách self-help, khóa huấn luyện cá nhân, sự kiện trực tiếp.
Một số doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng như Warren Buffett, Jeff Bezos, Mark Cuban cũng công khai thực hành, khiến stoicism tăng sức hút với đại chúng. Thậm chí ông Jack Dorsey, CEO của Square và cựu CEO của Twitter, còn có biệt danh "người khắc kỷ của thung lũng Silicon" do duy trì thói quen thức dậy lúc 5h sáng và tắm nước đá.
Nhân vật khắc kỷ trong những tiểu thuyết danh tiếng
Độc giả trong nước từ lâu quen thuộc với những nhân vật văn học thể hiện rõ tinh thần khắc kỷ, chẳng hạn như lão ngư dân Santiago trong Ông già và biển cả (1952) của văn hào Mỹ Ernest Hemingway (1899 - 1961). Trong tác phẩm, nhân vật chính chiến đấu không ngừng nghỉ suốt ba ngày đêm với con cá kiếm khổng lồ. Rã rời, kiệt sức nhưng ông không bao giờ khuất phục, với lòng tin mãnh liệt: "Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại".
Ý chí này phản ánh lý tưởng của người khắc kỷ: Chịu đựng thử thách bằng lòng dũng cảm và sự bình tĩnh, tập trung vào nỗ lực hơn là kết quả. Santiago chấp nhận rằng ông không thể kiểm soát được sóng gió đại dương, con cá kiếm và bầy cá mập hung tợn, chỉ có thể tập trung vào tay nghề thượng thừa, quyết tâm và tính kỷ luật của bản thân - những yếu tố ông có thể kiểm soát được. Năm 1953, kiệt tác được trao giải Pulitzer, góp phần giúp Hemingway thắng giải Nobel Văn học vào một năm sau.
Được biết đến như tên tuổi tiêu biểu của chủ nghĩa phi lý và hiện sinh, nhà văn kiêm triết gia Pháp Albert Camus (1913 - 1960), chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1957, cũng viết nên những tác phẩm phản ánh tư tưởng khắc kỷ. Trong Thần thoại Sisyphus (1942), tác giả mô tả việc tìm kiếm ý nghĩa và phẩm giá trong sự tồn tại, ngay cả khi cuộc sống dường như vô nghĩa hoặc rối tung. Đây là ý tưởng gợi nhớ đến nguyên tắc "amor fati" (yêu số phận) của khắc kỷ. Ngoài ra, ẩn dụ Sisyphus liên tục lăn một tảng đá lên đồi chỉ để nó lăn xuống cũng thể hiện lý tưởng: Kiên trì trước khó khăn không thể tránh khỏi.
Còn trong Dịch hạch (1947), để đối phó trận dịch không thể kiểm soát, các nhân vật không có gì ngoài lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết. Bằng cách tập trung vào những gì người ta có thể kiểm soát (hành động và thái độ) thay vì hoàn cảnh bên ngoài, con người chạm đến tự do nội tâm.
Bước sang thế kỷ 21, tinh thần khắc kỷ cũng được gửi gắm qua nhiều tác phẩm đạt giải Pulitzer suốt thập niên qua. Tiếu thuyết Con sẻ vàng (The Goldfinch, 2013) của nhà văn từng nhận giải Pulitzet năm 2014, Donna Tartt, phản ánh các yếu tố triết học thông qua cuộc lữ hành trần gian đầy đau khổ của nhân vật chính Theo Decker. Giữa nghịch cảnh trớ trêu, Theo có lúc tự hủy hoại bản thân, nhưng trong anh luôn khát khao gìn giữ phẩm giá, vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bức tranh Con sẻ vàng - tuyệt phẩm của danh họa Hà Lan Carel Fabritius (1622 - 1654) - vừa giữ vai trò "nhân vật trung tâm" của tiểu thuyết, vừa biểu tượng cho sự trường tồn và vẻ đẹp giữa cuộc đời hỗn loạn. Hình ảnh này thể hiện lòng tin của người vào sức mạnh của nghệ thuật, triết học trong việc nâng cao tinh thần, mang lại cảm giác về trật tự và mục đích.
Ánh sáng vô hình (All the light we cannot see, 2014) - thắng giải Pulitzer năm 2015 - của Anthony Doerr, khéo léo đan cài số phận của cô bé mù người Pháp Marie-Laure LeBlanc và cậu bé lính Đức Werner Pfennig. Qua đó, tác giả nêu bật tình người trước hoàn cảnh thách thức lương tri giữa cuộc Thế chiến II. Sự giằng xé nội tâm của Werner về vai trò bản thân trong cuộc chiến, cũng như quyết định hy sinh để cứu Marie-Laure khắc họa ước ao hướng thiện và niềm tin tối thượng vào đạo đức, bất chấp thế giới đầy nghiệt ngã. Đây chính là nguyên tắc sống còn của chủ nghĩa khắc kỷ.
Colson Whitehead là một trong bốn nhà văn được trao giải Pulitzer hai lần. Cả hai tiểu thuyết Tuyến hỏa xa ngầm (The Underground Railroad, Pulitzer 2017) và Cuộc đào thoát (The Nickel Boys, Pulitzer 2020) đều mê hoặc độc giả bằng câu chuyện người da màu trốn chạy khỏi địa ngục trần gian, chiến đấu không khoan nhượng cho phẩm hạnh và tự do.
Trên kệ sách best-seller của thế giới, Người đàn ông mang tên Ove (A man called Ove, 2012) của tác giả Thụy Điển Fredrik Backman bộc lộ khá rõ tinh thần khắc kỷ qua cuộc đời bi hài của nhân vật chính. Ove, 59 tuổi, năm lần bảy lượt tìm cách chết, nhưng luôn gặp đủ thứ trục trặc. Những tình huống đời thường hài hước dần khai mở quá khứ, lý giải thái độ cộc cằn, lối sống quá nguyên tắc đến mức kỳ quặc của Ove. Cuốn sách bán được hơn ba triệu bản này là một minh họa sống động cho cách áp dụng nguyên tắc của chủ nghĩa khắc kỷ trong cuộc sống thường ngày. Ove, bằng cách chấp nhận nghịch cảnh và hành động theo giá trị cá nhân, không chỉ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống cho mình mà còn truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
Chủ nghĩa khắc kỷ "hồi sinh" vào thế kỷ 21 cho thấy sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn của nó. Không chỉ phổ biến trong chủ đề trò chuyện, trên mạng xã hội, xu hướng tìm kiếm, tư tưởng này còn hiển hiện trong những danh tác được giới phê bình ca ngợi, cho đến những cuốn sách giàu tính giải trí đại chúng.
Hồng Nhung