Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) là một trào lưu triết học manh nha vào thế kỷ 19, gắn liền tư tưởng của triết gia, nhà thần học người Đan Mạch Søren Kierkegaard (1813 - 1855). Sau đó, quan niệm này phát triển mạnh mẽ tại Đức và Pháp giai đoạn 1920 đến 1960. Phong trào tập trung vào con người, tự do, trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh vai trò cá nhân trong việc xác định bản chất và ý nghĩa cuộc sống.
Lời giải cho khủng hoảng con người thế kỷ 21
Chủ nghĩa hiện sinh từng là câu trả lời cho nhiều khủng hoảng về ý nghĩa cuộc đời trong thế kỷ 20. Vậy tư tưởng này có vai trò gì trong thời đại hiện nay, nơi sự phát triển của khoa học kỹ thuật mở ra kỷ nguyên mới cho phép con người sống trong "thế giới ảo", chứng kiến sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như vừa trải qua Covid-19?
Tìm lại niềm vui sống hậu đại dịch
Covid-19 đã qua ba năm nhưng hàng triệu người có lẽ vẫn chưa vượt qua cơn "khủng hoảng hiện sinh" khi đột ngột mất người thân, công việc tốt, nguồn tài chính đảm bảo. Con người buồn khổ trước sự mong manh, vô lý đến tàn nhẫn của cuộc đời, cảm thấy mất kiểm soát và lo âu về tương lai bất định.
Trước tình cảnh này, chủ nghĩa hiện sinh cho rằng nhân loại nên chấp nhận sự phi lý của cuộc đời. Tương tự lý lẽ của Albert Camus, cuộc sống không có ý nghĩa cố hữu, nhưng chính con người có thể tạo ra ý nghĩa riêng. Còn theo triết gia Martin Heidegger (1889 - 1976), thay vì lo sợ cái chết, mỗi người hãy trân trọng từng khoảnh khắc của hiện tại, sống có ý thức và trách nhiệm.
![Chân dung triết gia Martin Heidegger. Ảnh: Medium](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2025/02/10/1-ixne3cie5ahtlcoysf-8kq-17391-5380-5580-1739197173.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zRSxcP38IkrAysbSOmbzDg)
Chân dung triết gia Martin Heidegger. Ảnh: Medium
Bảo vệ bản sắc cá nhân giữa thế giới "sống ảo"
Các hình ảnh hào nhoáng, toát lên mùi thành công, vị hạnh phúc trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi so sánh, rồi tự tạo áp lực cho bản thân. Những người này thường có xu hướng thể hiện bản thân theo cách dễ làm hài lòng người khác, thay vì sống đúng giá trị cá nhân. Dần dà, họ đánh mất cái tôi trong hình ảo mà không hay biết. Thêm vào đó, sự bùng nổ thông tin càng khiến họ mất phương hướng, không biết điều gì thực sự quan trọng với mình.
Với vấn đề này, bạn có thể cân nhắc quan điểm về sự tự do lựa chọn của Jean-Paul Sartre. Theo đó, mỗi cá nhân không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực xã hội mà có thể tự quyết định mình là ai. Chúng ta học cách chấp nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho mạng xã hội hay hoàn cảnh vì ai cũng có quyền lựa chọn cách sống, cũng như sử dụng công nghệ. Ngoài ra, quan niệm của nhà văn Simone de Beauvoir (1908 - 1986) - mẹ đẻ của trào lưu nữ quyền hiện đại - cho rằng không thể để xu hướng đám đông điều khiển bản thân, phải chủ động suy nghĩ và sống theo giá trị thật của mình.
Khẳng định chân giá trị của con người trong thời đại AI
AI ngày nay có thể viết văn, sáng tác nhạc, vẽ tranh, lập trình, tư vấn tâm lý... Khả năng học hỏi, phát triển dường như vô tận của AI khiến hàng loạt nhân viên bị thay thế, đẩy con người đến trước cuộc khủng hoảng danh tính và giá trị lao động. Đã xuất hiện nỗi lo về AI siêu thông minh có thể kiểm soát nhân loại, khiến con người thêm hoài nghi về tương lai.
Theo chủ nghĩa hiện sinh của Martin Heidegger, chỉ con người mới có ý thức về sự tồn tại. Do đó, AI có thể bắt chước trí tuệ, nhưng nó không thể cảm nhận sự tồn tại, đau khổ hay khao khát ý nghĩa. Trong khi đó, dựa vào lý lẽ giá trị của con người nằm ở lựa chọn của Jean-Paul Sartre, máy móc có thể làm thay ta nhiều việc nhưng chỉ con người có quyền tự do sáng tạo, quyết định hướng đi của mình. Giá trị của chúng ta không nằm ở việc "hữu dụng" hơn AI, mà ở khả năng tự nhận thức và sáng tạo ý nghĩa.
Câu nói nổi tiếng của Jean-Paul Sartre đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là với những ai đang hoang mang về ý nghĩa cuộc đời: "Con người không là gì khác ngoài những thứ anh ta tự tạo ra".
Những khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh
Sự tồn tại có trước bản chất
Sở dĩ có tên gọi "hiện sinh" do chủ nghĩa này nhấn mạnh quan điểm đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu thông qua sự hiện sinh (tồn tại) của cá nhân - tức thông qua kinh nghiệm riêng biệt của từng người về cuộc đời. Trong quá trình sống, chúng ta được tự do định nghĩa bản thân bằng các lựa chọn và hành động của mình, tạo ra bản chất riêng.
Chính ý tưởng "sự tồn tại có trước bản chất" làm nên nền tảng cho chủ nghĩa hiện sinh, thách thức suy nghĩ bản chất con người được định sẵn. Triết gia kiêm tiểu thuyết gia, nhà hoạt động chính trị người Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980) ủng hộ nhiệt thành quan điểm cốt lõi này.
![Những nhà văn nổi tiếng của chủ nghĩa hiện sinh. Từ trái qua: Samuel Beckett, Alber Camus, Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre. Ảnh: The Collector](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2025/02/10/ca-c-nha-va-n-theo-chu-nghi-a-5695-9859-1739197173.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mlsai9hW1YQ54sxKHKXbvQ)
Những nhà văn nổi tiếng của chủ nghĩa hiện sinh. Từ trái qua: Samuel Beckett, Albert Camus, Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre. Ảnh: The Collector
Sự phi lý
Là một trong những khái niệm sâu sắc nhất của chủ nghĩa hiện sinh, sự phi lý thường xuyên hiện hữu trong tác phẩm của nhà văn Pháp Albert Camus (1913 - 1960, từng đoạt Nobel Văn học 1957). Khái niệm này làm nổi bật xung đột cố hữu giữa một bên - quá trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời của con người - với bên kia là vũ trụ thờ ơ, dường như vô nghĩa. Mâu thuẫn và sự ngắt kết nối sâu sắc này có thể dẫn đến cảm giác mất phương hướng, tuyệt vọng và "nỗi lo hiện sinh", theo cách gọi của Camus.
Tuy nhiên, bất chấp sự phi lý của tồn tại, nhà văn lập luận rằng con người phải tiếp tục phấn đấu cho ý nghĩa đời mình, tìm niềm vui trong chính cuộc đấu tranh và sống cuộc đời trọn vẹn nhất.
Tự do và trách nhiệm
Chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh mối liên hệ không thể tách rời giữa tự do và trách nhiệm. Tự do lựa chọn lối đi riêng, định hình số phận nhưng luôn đi kèm ý thức trách nhiệm sâu sắc. Nhận thức này có thể gây ra lo lắng, nhưng cũng cho ta khả năng sống cuộc đời đích thực, giàu ý nghĩa. Chấp nhận tự do có nghĩa là biết và chấp nhận hậu quả của những lựa chọn do ta thực hiện, dù thành hay bại.
Xác thực và cá tính
Mục tiêu cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh là cuộc sống đích thực, bao gồm việc sống theo các giá trị, niềm tin và mong muốn của riêng mình thay vì tuân theo kỳ vọng của xã hội, áp lực bên ngoài. Tính xác thực đòi hỏi sự tự nhận thức, lòng dũng cảm và sẵn sàng sống thật - ngay cả khi điều đó thách thức chuẩn mực xã hội hoặc bị phản đối. Quan niệm này nhấn mạnh tầm quan trọng của cá tính, việc theo đuổi một cuộc sống phản ánh bản sắc và khát vọng độc đáo.
Hồng Nhung