Đầu tháng 12 đến nay, thị trường chứng khoán liên tục khởi sắc khiến giới đầu tư khấp khởi mừng. Vn-Index đã tăng 13,26 điểm kể từ phiên đầu tiên trong tháng 12 (3/12), từ 379,27 điểm lên 391,08 điểm (chốt phiên ngày 12/12). Khối lượng giao dịch ở mức trung bình 30 triệu cổ phiếu. Mọi năm, hầu như tháng 12 luôn là thời điểm được nhiều người kỳ vọng nhất nhờ các kế hoạch về chính sách, kinh tế vĩ mô sắp thực hiện trong năm sau khiến thanh khoản thị trường tốt hơn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, nếu tính theo chu kỳ suốt 12 năm qua, nhiều năm có những con sóng tăng điểm vào giai đoạn từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau. Hiện giờ thị trường đã có những dấu hiệu khởi sắc, sắp tới nhiều khả năng sẽ có thêm đợt điều chỉnh nhẹ nhàng, sau đó sẽ lại xuất hiện thêm một đợt sóng vừa phải trong ngắn hạn chạy tiếp cho đến Tết âm lịch, ông Khánh nói.
Sóng chứng khoán được kỳ vọng khả năng khới sắc đến Tết âm lịch. Ảnh: Hoàng Hà |
Lý giải về tín hiệu tăng của thị trường trong suốt gần 2 tuần qua, ông Khánh cho rằng, sự kỳ vọng là vấn đề cốt lõi, nó giúp các nhà đầu tư mạnh dạn hơn với chứng khoán. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tiềm ẩn nhiều nghi ngờ bao trùm thị trường nên mức tăng vẫn còn dè dặt, nếu cơn sóng này đi tiếp 1-2 tuần tới và không có thêm những thông tin quá tiêu cực như lãi suất không giảm, doanh nghiệp ngày một khó khăn hơn hay lạm phát tăng trở lại, tỷ giá bất ổn.., thì triển vọng trong trung hạn sẽ có cơ hội lạc quan, ông Khánh nhận định.
Tính riêng phiên giao dịch ngày 12/12, 2 sàn Hà Nội và TP HCM đã có tới 15 trên tổng số 21 mã thị giá dưới 2.000 đồng tăng kịch trần. Đây là nhóm cổ phiếu tồn tại nhiều rủi ro như nợ ngắn hạn quá cao, thanh khoản thấp, kinh doanh lỗ thời gian dài. Lý giải về điều này, ông Khánh cho rằng, đây là tín hiệu tốt chứng tỏ giới đầu cơ đang trở lại thị trường. Tuy nhiên, nó chưa phải là cơ sở giúp tạo sóng vững chắc do những giao dịch chủ yếu là ngắn hạn, các nhà đầu tư chỉ muốn đánh nhanh rút gọn khi kinh tế chưa thực sự khởi sắc, thị trường vẫn phải chờ tới khi dòng tiền đổ vào các blue chip một cách mạnh mẽ.
Theo ông Khánh, có nhiều lý do dẫn đến việc hình thành những đợt sóng trong tháng 12 trên sàn chứng khoán, như thông thường sau kỳ họp Quốc hội, các cơ quan quản lý được dự báo sẽ phải đưa ra những chính sách để kích cầu. Như vậy, hầu hết nhà đầu tư nắm bắt thông tin sẽ biết cách tận dụng để đón đầu con sóng, lượng nhà đầu tư này tuy không nhiều nhưng kỳ vọng nắm giữ những dòng tiền lớn và đủ để tạo sóng, ông Khánh nhận định.
Bên cạnh đó, ông Khánh nói thêm, 2012 là năm lần đầu tiên số lượng tài khoản mới đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài có tổ chức cao hơn nhà đầu tư nước ngoài cá nhân. Thời gian qua, khối ngoại theo tổ chức vẫn liên tục mua thỏa thuận và mua chiến lược với khối lượng giao dịch lớn đối với các mã NVT, MPC, AGD, STT.., yếu tố này góp phần giúp thị trường thanh khoản tốt, nhà đầu tư bớt e ngại với chứng khoán hơn.
Cũng theo ông Khánh, kết quả kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp hầu như không ảnh hưởng nhiều lên thị trường, đồng thời khó có thể gây bất ngờ khi những số liệu từ quý trước với hầu hết các doanh nghiệp là tiêu cực. Bởi thế khó mà kỳ vọng thị trường sẽ có “ván bài lật ngửa”. Kỳ vọng lớn nhất và hợp lý hơn là các doanh nghiệp sẽ giảm bớt thua lỗ hoặc bắt đầu kinh doanh có lãi, làm được điều này cũng đã là thông tin rất tích cực cho thị trường trong bối cảnh hiện tại, ông Khánh cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc phân tích Quỹ Sài Gòn Hà Nội (SHF), nhận định với điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện tại, sóng xuất hiện vào cuối tháng 12 chỉ là sự phục hồi sau khi cả 2 chỉ số chạm ngưỡng thấp nhất lịch sử, khó có thể kỳ vọng là con sóng lớn.
Hơn nữa, ông Đức phân tích, sóng cuối năm xuất hiện chủ yếu do các chỉ tiêu vĩ mô đạt tốt hơn mọi năm, tuy nhiên hiện tại cơ hội này lại khó có thể với tới. Dù vậy, tình hình kinh doanh quý IV có thể là động lực giúp thị trường đi lên trong những tháng cuối năm, thông thường, các doanh nghiệp hay báo lãi tốt hơn vào quý IV so với cùng kỳ hoặc các năm trước.
Đồng thời, ông Đức nói thêm, sóng trên thị trường cũng chỉ có thể dao động trong biên độ 10-15%. “Nếu có sóng lớn thì phải tới tầm giữa năm hoặc thậm chí đến tận cuối năm 2013, bây giờ vẫn chưa tới thời điểm”, ông Đức nhận xét.
Ngoài ra, sóng cuối năm có thể ảnh hưởng theo các chính sách áp dụng cho năm tới. “Tin tức được các nhà đầu tư và doanh nghiệp kỳ vọng nhất hiện nay là giảm lãi suất, có khi chỉ cần công bố, chưa cần áp dụng là chỉ số chứng khoán đã lên điểm”, ông Đức lưu ý.
Tường Vi