19h43' ngày 20/5, sau một ngày xét xử, TAND Hà Nội tuyên Lê Thị Liễu, 35 tuổi mức án trên vì tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, theo điểm b, khoản 3, Điều 349 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên toà, bị cáo Liễu, cựu giám đốc Công ty cổ phần GVA, thừa nhận hành vi song nói không có động cơ đưa người trốn sang nước ngoài rồi ở lại, chỉ làm vì "được nhờ". "Bị cáo rất sợ, đã khuyên không được trốn, đã thuyết phục, doạ dẫm, dùng đủ mọi biện pháp", Liễu khai.
Bị cáo khai, đầu năm 2018, qua cuộc nói chuyện trên mạng xã hội với Hoàng Anh định cư tại Đức, biết nhiều người ở Nghệ An muốn xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc nên hứa hẹn làm visa với chi phí 10.000 USD một người.
Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, Liễu thông qua Trịnh Bang Dũng, 53 tuổi, cậu ruột của Hoàng Anh, là đầu mối để gom khách. Đây là những người có ý định xuất khẩu lao động, đã nộp hồ sơ, tiền phí và đợi "cò mồi".
Tham gia gom khách gồm vợ chồng Ngô Xuấn Hiếu, 52 tuổi và Lê Thị Xuân, 43 tuổi (cựu đại diện Văn phòng tư vấn du học Công ty CP Tư vấn du học quốc tế IEC) cùng Nguyễn Thị Lương, 37 tuổi (lao động tự do) và Trần Phục Hưng, 33 tuổi (cựu giám đốc Công ty tư vấn du học Nhật Bản Bắc Nam). Bốn người báo giá 11.500 USD một khách để hưởng chênh lệch.
Tháng 8/2018, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 4 đến 7/12/2018. Bộ sau đó phát thư mời và biểu mẫu để các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư thương mại có nhu cầu đăng ký.
Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư thương mại mới được tham gia. Hồ sơ đăng ký visa, ngoài giấy tờ tuỳ thân bắt buộc, ảnh, sơ yếu lý lịch, cũng yêu cầu giấy tờ chứng minh công việc. Cụ thể, chủ doanh nghiệp, phải có giấy đăng ký kinh doanh, nếu là nhân viên, phải có Quyết định cử đi công tác, hợp đồng lao động, bảng lương 3 tháng gần nhất có xác nhận của doanh nghiệp.
Biết điều này, tháng 9/2018, Liễu mượn pháp nhân công ty người quen đồng thời mua thêm các công ty bằng hình thức chuyển nhượng, mục đích đưa tên những người có nhu cầu xuất ngoại vào làm lãnh đạo công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc cấp visa xuất cảnh. Liễu cùng đồng phạm biết rõ khách hàng sẽ mang danh nghĩa người của các doanh nghiệp đi nước ngoài để hợp tác kinh doanh, đầu tư, rồi trốn ở lại.
Liễu hướng dẫn khách mặc trang phục lịch sự để ra dáng doanh nhân, học thuộc thông tin liên quan công ty mà mình đứng tên giám đốc hoặc phó giám đốc. Liễu dặn khi đến Hàn Quốc viện lý do đi gặp đối tác kinh doanh hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu do ban tổ chức quản lý. Khi tách đoàn thành công, khách sẽ trốn lại Hàn Quốc tự đi tìm việc làm.
Ngày 4/12/2018, Liễu và bốn khách xuất cảnh đi Hàn Quốc cùng đoàn Chủ tịch Quốc hội. Cuối năm 2019, hai người bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện và trục xuất về Việt Nam, một người hiện vẫn trốn ở lại.
Với cùng thủ đoạn tương tự, hai bị cáo Lương Mạnh Hùng, cựu giám đốc Công ty giáo dục TD và Trần Thị Tuyết, cựu cán bộ tạp chí Kinh tế và dự báo, cũng tổ chức cho hai người trốn rồi ở lại Hàn Quốc trên cùng chuyến chuyên cơ này.
Tuyết đưa một người vào làm nhân viên của công ty người quen, một người vào công ty của Hùng, sau đó làm hồ sơ, thủ tục cho hai người "khách" vào đoàn doanh nghiệp tháp tùng. Hiện một người trong số này vẫn chưa về Việt Nam.
Nhà chức trách xác định, Liễu thu lời bất chính hơn 700 triệu đồng; Lương Mạnh Hùng 91 triệu đồng, Trần Thị Tuyết hưởng lợi hơn 48 triệu đồng; Trịnh Bang Dũng, 210 triệu đồng và Ngô Xuân Hiếu 31 triệu đồng.
Về số tiền chiếm hưởng, Liễu khai VKS truy tố như vậy là "quá cao" vì còn phải chi trả cho bên dịch vụ khoảng 170 triệu đồng. Trong số "doanh nhân dỏm", có một người sau khi trở về Việt Nam đã được Liễu hoàn trả 200 triệu đồng. "Hoàng Anh hứa chia lợi cho bị cáo nhưng thực tế chưa nhận gì", Liễu khẳng định.
Liễu cho rằng vai trò của Hoàng Anh, người đang định cư tại Đức, trong vụ án là "rất quan trọng". Theo thỏa thuận, Hoàng Anh sẽ "tuyển" người có nhu cầu, Liễu hỗ trợ làm thủ tục, chỉ yêu cầu thu của mỗi khách 40 triệu đồng, đúng theo giá của "bên dịch vụ", song Hoàng Anh nhờ thu thành 11.500 USD, hứa chia lợi nhuận, nên Liễu đồng ý.
Trong khi đó, bị cáo Trịnh Bang Dũng, 53 tuổi, cậu ruột của Hoàng Anh khai chính Liễu ra giá 11.500 USD, yêu cầu ông thu của người có nhu cầu rồi nộp lại.
Bị VKS xác định là người có vai trò cao thứ hai sau vụ án, ông Dũng nói "không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật". Ông khai giữa năm 2018, được cháu trai định cư bên Đức nhờ "tiếp nhận" những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, thu tiền rồi giao lại cho Liễu để làm thủ tục.
"Bị cáo hỏi Hoàng Anh là có đi đàng hoàng không, chứ kiểu nhốt người vào container là cậu không giúp. Hoàng Anh bảo hợp pháp, yên tâm", ông Dũng bào chữa. "Bị cáo tưởng đi máy bay, mua vé đàng hoàng thế không thể là bất hợp pháp được". Ông khai, đã nộp cho Liễu 30.000 USD và 160 triệu đồng, song "bản thân không được hưởng lợi gì, chỉ làm do cháu có lời nhờ vả".
Những lời khai này của hai bị cáo được HĐXX nhận định "một chiều", do Hoàng Anh chưa về Việt Nam, chưa có cơ sở xác minh.
Các bị cáo khác thừa nhận hành vi, xin hưởng khoan hồng.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo ảnh hưởng trật tự an ninh xã hội và quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Các bị cáo biết việc mình làm vi phạm pháp luật song vì hám lợi, vẫn thực hiện. Song với ý thức tích cực khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu và thành khẩn khai báo, HĐXX đều tuyên phạt dưới mức đề nghị của VKS.
Ông Dũng bị phạt 3 năm tù. Hùng và Tuyết cùng bị phạt 20 tháng tù về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, theo khoản 1, điều 349 Bộ luật Hình sự.
Ở tội Môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, theo khoản 2, điều 349, Bộ luật Hình sự, Hiếu bị phạt 20 tháng tù; Lương 18 tháng tù; Xuân 18 tháng tù treo. Riêng Hưng, bị phạt án tù 16 tháng 11 ngày, bằng thời hạn tạm giam, được thả tự do ngay tại toà. Nghe xong mức án, bị cáo Lương đã ngất xỉu tại chỗ, tỉnh lại sau hơn 20 phút được vợ chồng bị cáo Hiếu và Xuân chăm sóc.
4 người xuất cảnh đi Hàn Quốc sau đó trốn ở lại, đến nay đã về Việt Nam. Do vi phạm lần đầu, họ được cơ quan điều tra thông báo tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an để xử lý hành chính. Tiền của những người này đã được các bị cáo hoàn trả, xét thấy họ là người lao động, hoàn cảnh khó khăn nên HĐXX không tiến hành truy thu.
Hoàng Anh có dấu hiệu đồng phạm về hành vi tổ chức, môi mới cho 4 người trốn đi Hàn Quốc song đang cư trú ở Đức, chưa về Việt Nam nên cơ quan điều tra tách khỏi vụ án, xử lý sau.
Tại cáo trạng, VKS xác định, các tổ chức cá nhân thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía bắc và Viettravel, không biết các bị cáo và những người liên quan vụ án lợi dụng việc tham gia đoàn doanh nghiệp để trốn lại. Tuy nhiên, qua điều tra thấy, một trong những nguyên nhân xảy ra vụ án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa quan tâm việc xây dựng quy trình, thủ tục lựa chọn doanh nghiệp tham gia, không có quy định cụ thể phối hợp với đơn vị liên quan. Tháng 6/2020, cơ quan điều tra đã thông báo về sơ hở này cho Bộ và Văn phòng Quốc hội để có biện pháp khắc phục.
Hải Thư