![]() |
Chiếc bàn nhỏ kê ngay trên giường là nơi học tập của Lâm. |
Nhà Lâm ở Quảng Ninh. Từ khi sinh ra, cậu bé đã bị dị tật ở hệ xương, chân tay mềm yếu, cứ gượng đứng dậy là lại ngã sóng xoài, khiến đầu và mặt luôn sây sát, nhiều khi bật cả máu. Xót con, mẹ ôm Lâm đi khám, bác sĩ kết luận em bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố.
Lên 5 tuổi, trong khi các bạn đi mẫu giáo, làm quen với con chữ thì Lâm phải ngồi nhà bởi chân tay em kém phát triển, răng cứ mọc rồi lại rụng khiến việc phát âm khó khăn. Nhìn ánh mắt buồn tủi của con trai, người mẹ không kìm nổi lòng mình. Bà cố gắng sưu tầm sách báo nói về những tấm gương vượt khó và hằng đêm lại kể cho con nghe với hy vọng xua tan mặc cảm tật nguyền ở Lâm. Mẹ cũng mạnh dạn dạy Lâm học, em tiếp thu rất nhanh. Lên 6 tuổi, em đã đường hoàng vào lớp 1 như bao bạn cùng trang lứa. Chỉ khác một điều: Bên cậu học sinh là đôi nạng gỗ bé tí xíu, giúp em có thể đi lại gần. Còn mỗi lần đi xa, mẹ hoặc bạn bè lại bế Lâm.
![]() |
Thời gian rảnh, Lâm rất thích đánh đàn. |
Cứ thế, Lâm qua hết thời phổ thông và đến năm 2000 thì nộp đơn vào hai trường đại học. Ngày thi, người anh trai bế Lâm vào phòng, ai cũng ngạc nhiên, giám thị còn mắng: Sao bế em vào phòng thi? Phải giải thích, xuất trình mọi giấy tờ, Lâm mới được làm bài. Hồi hộp chờ đợi kết quả, đến hôm nhận giấy báo trượt cả hai trường, cậu thất vọng, trùm chăn khóc rấm rứt.
Cũng có người nói rằng ốm đau như thế chỉ nên ở nhà, ôn thi vất vả, tốn kèm mà chắc gì đã đỗ. Lâm buồn lắm, nhưng không chịu đầu hàng. Noi theo tấm gương của anh Ototake, người Nhật, dẫu không có tay, chân vẫn là nhà bình luận viên thể thao nổi tiếng, cậu tiếp tục dùi mài kinh sử. Sự cố gắng của chàng thanh niên sinh năm 1982 này đã được đền đáp. Lâm đỗ cả hai trường - ĐH Ngoại ngữ Hà Nội và Dân lập Phương Đông. Nhìn giấy báo nhập học của con, người mẹ bật khóc vì sung sướng và vì lo lắng. Hoàn cảnh kinh tế gia đình không lấy gì làm dư dả, bố sức yếu, chỉ có thể sửa xe đạp, còn mẹ đã nghỉ hưu. Cả nhà 6 nhân khẩu chỉ trông vào nguồn thu nhập từ việc trông xe trước cửa Bệnh viện Uông Bí của mẹ.
Dẫu vậy, mẹ cũng cố lo cho con trai học cả hai trường. Còn Lâm thì khăn gói quả mướp lên Hà Nội với lời hứa học thật giỏi, học thay cả phần của người anh kế (bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, trí tuệ chậm phát triển). Sáng Lâm học ở Phương Đông, chiều về trường Ngoại ngữ. Những người bạn thân như Huy, Thái, Tuân, Tuấn luôn giúp em đi về. Sau Tết, thấy sức khỏe yếu đi, sống lưng đau buốt, cộng với thời gian quá eo hẹp, Lâm đã xin bảo lưu kết quả ở ĐH Ngoại ngữ Hà Nội.
Lâm thoáng nheo mày, rồi lại nhoẻn miệng cười, hở hai hàm lợi chỉ còn một răng cửa. Cậu giải thích lý do chọn học tiếng Nhật, chứ không phải là tiếng Anh, ở trường dân lập: "Em cố học tiếng Nhật để tham dự Campaign 2002 (hội nghị thường niên dành cho những người khuyết tật ở châu Á - Thái Bình Dương) tổ chức ở Nhật Bản. Biết đâu em sẽ gặp thần tượng của mình, anh Ototake. Hơn nữa, tiếng Anh em biết cơ bản rồi, có thể tự học qua bạn bè, sách vở. Còn tiếng Nhật toàn chữ tượng hình, khó nhớ, phải học qua trường lớp mới nắm được".
Mơ ước trở thành bình luận viên bóng đá
![]() |
Với đôi nạng gỗ, Lâm hoàn toàn có thể đá bóng. |
Đó là niềm mơ ước lớn của Lâm. Cậu biết đến môn thể thao vua từ World Cup 1986, khi mới 4 tuổi. Ngày ấy, mọi người đều xem Maradona là thần tượng. Bé Lâm chẳng hiểu gì, nhưng cũng đòi mẹ mua bóng tập để có thể giỏi như chàng cầu thủ này. Sang năm lớp 7-8, bóng đá mới ngấm vào Lâm, em xin tiền mẹ mua bóng nhựa, rồi gạ mấy đứa bé trong xóm ra khoảnh sân nhỏ trong Bệnh viện Uông Bí để tập. Chẳng ai tin anh Lâm chơi được, sau vài lần xem anh đu người tâng và sút bóng, bọn trẻ mới bị thuyết phục, háo hức thành lập đội bóng.
Lâm tâm sự: "Em chạy không nhanh bởi chân ngắn, lại vướng nạng, nhưng sút bóng rất chuẩn. Chúng em đá rất bài bản, nhiều người trong đội đã trở thành cầu thủ của đội tuyển bóng đá thị xã Uông Bí, trong đó có em trai em". Bây giờ, mỗi khi lớp tổ chức thi đấu bóng đá là cậu lại ngồi ở vị trí tư vấn chiến thuật, điều binh khiển tướng.
Trong căn phòng trọ rộng chừng 8 m2, Lâm dán rất nhiều ảnh đội bóng. Thời gian rỗi, em lại ra hàng Internet để check e-mail và tìm ảnh của chàng cầu thủ Argentina này.
Tuy không đủ điều kiện để chơi bóng nhưng Lâm rất muốn trở thành bình luận viên, giống như anh Quang Huy của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài việc rèn ngoại ngữ, Lâm còn tìm đọc và xem tất cả các sách báo nói về môn thể thao này. Dẫu bận học, nhưng có trận bóng đá nào hay, Lâm cũng sắp xếp thời gian xem cho bằng được, nhất là những trận đấu của đội Manchester United.
Lâm tâm sự: “Những người khuyết tật chân thường chọn dịch sách báo, nhưng với em công việc ấy rất buồn tẻ. Em muốn cuộc sống phải sôi động. Nếu cũng thu mình lại như những người thiếu may mắn khác, em đã chẳng có mặt ở Hà Nội này”. Đó cũng là lý do Sơn Lâm tham gia mọi hoạt động của trường lớp, từ cắm trại, đi chơi Noel đến văn nghệ. Căn phòng của Lâm có rất nhiều bạn bè đến thăm. Cậu còn lập cả e-mail và cũng lấy tên của danh thủ mình yêu thích làm địa chỉ IP: maradona0911@yahoo.com.
Như Trang