![]() |
Nhà văn Chu Lai. |
- Nhân vật trong truyện của anh có vẻ giống anh, là những người lính phố phường ra đi kháng chiến, bặm trợn mà hào hoa, gan lì mà đa cảm. Có phải cuộc đời trinh sát một thuở vẫn ám ảnh anh rất nhiều?
- Ám ảnh suốt đời. Những năm tháng ác liệt ấy, có những lúc thèm chết hơn thèm sống. Sáu tháng trời đau bụng, chân tay đau nhức vẫn phải hành quân 18 tháng liền. Nhưng cũng nhờ vào sự lãng mạn của tâm hồn, sự hào sảng nghìn năm của dân tộc để vừa cầm súng chiến đấu vừa bâng khuâng nghĩ đến ngày về bước đi giữa phố phường chớm lạnh phơ phất lá thu bay và bên tai thoảng tiếng cười của cô bạn cũ...
- Có phải vì vậy mà các tác phẩm của anh thường biểu lộ tình cảm trân trọng, mến yêu với những nhân vật nữ?
- Tôi luôn đặt người phụ nữ ở vị trí trung tâm trong tác phẩm. Họ là những cô gái từ đội thanh niên xung phong đến bộ đội chủ lực. Chính bóng dáng của những người con gái ấy đã làm cho những cánh rừng chết chóc mềm dịu đi. Dù có nhiều người đã ngã xuống nơi ấy nhưng đó là những cái chết bất tử.
- Xem ra anh đa cảm và mềm yếu lắm. Có phải vì lý do ấy mà việc "sợ vợ " như có lần anh nói là một thước đo giá trị của người đàn ông?
- Tôi chỉ nói hài hước cho vui thôi. Người đàn ông có thể khao khát chiến thắng kẻ thù, quyền lực... nhưng đàn bà thì không nên. Anh nên biết thua cái đẹp, cái yếu mềm.
- Quay lại với văn chương, anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng người Việt Nam không có tư duy tiểu thuyết nên văn học nước nhà không thể xây dựng một nền tiểu thuyết đích thực?
- Đó chỉ là những suy nghĩ cực đoan và vô trách nhiệm. Tiểu thuyết ở nước ta vẫn chảy âm ỉ nhưng có tuôn trào được hay không lại do thời vụ. Chúng ta chưa có cuốn tiểu thuyết nào tương xứng với cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc là do tài năng và một phần cũng cần có độ lùi và độ tĩnh.
- Là một người đoạt được nhiều giải thưởng văn chương, theo anh điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với một nhà văn?
- Được giải là điều tốt vì tác phẩm của mình đã có một sự định vị trong xã hội. Nhưng thực tế vẫn có những tác phẩm không đoạt giải mà vẫn đi sâu vào trong lòng người đọc.
- Nhiều người nói anh là nhà văn biết tận dụng triệt để các tác phẩm của mình, từ một truyện ngắn, anh triển khai thành tiểu thuyết, rồi chuyển thành kịch bản phim..?
- Hoàn toàn đúng và tôi vẫn tiếp tục làm như vậy. Các thể loại văn học hay kịch bản phim đều chung mục đích phản ánh đời sống. Sách cùng lắm chỉ có hai vạn bản nhưng truyền hình thì có hàng triệu người xem. Một ngày rỗi rãi, chui vào rạp giữa những người xa lạ nhìn người ta xem văn mình... cũng sướng lắm chứ. Và tôi cũng không ngại ngần để nói rằng, nó còn cho tôi tăng thêm thu nhập.
(Theo Tiền Phong)