Đó là lời cay đắng của Alan Bess, đồng nghiệp cũ của tôi, một doanh nhân phương tây dày dạn kinh nghiệm tại thị trường châu Á. Hongbao là một từ lóng ông học được trong thời gian làm ăn ở Trung Quốc, phiên âm của "hồng bao" - phong bì tiền hối lộ.
Một ngày cũng mùa mưa năm ngoái, tôi nhận được cuộc điện thoại đầy bất ngờ từ Bess. "Tao tính sang Việt Nam đầu tư đó mày", giọng nói rất Mỹ không lạc đi đâu cất lên ngay khi tôi nhận máy. Suốt cuộc điện thoại hàng chục phút, người bạn cũ hớn hở như sắp mang quà đến cho tôi. Besss tin rằng, "Việt Nam là ốc đảo tuyệt vời để né cơn bão thương chiến Mỹ - Trung".
Khoảng 60 tuổi, nhiệt thành và khéo léo trên thương trường quốc tế, Bess hiện là CEO một tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất phụ tùng chi tiết cho máy ô tô đang có nhà máy lớn tại Trung Quốc. Bess bảo sẽ sang kiếm tìm cơ hội đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam, và tôi - đồng nghiệp cũ được ông nhờ cậy để chọn nơi đặt nhà máy sản xuất.
Không chỉ vì mối quan hệ bạn bè, tôi thực sự vui mừng đón chào ông bởi ước mơ góp phần vào việc "làm tổ cho đại bàng" để tiếp những tay chơi tầm cỡ quốc tế đến nước mình. Chẳng phải sản xuất thiết bị phụ trợ công nghiệp cho ngành ô tô chính là việc Việt Nam chật vật gây dựng cả chục năm trời chưa thành đó sao?
Bess bay tới Hà Nội chỉ vài ngày sau cuộc gọi. Tôi từ Sài Gòn bay ra, tìm cho ông một phiên dịch, giới thiệu một số anh chị làm về đầu tư và gợi ý cho ông vài địa phương để gặp gỡ. "Cần gì thêm, a lô tôi biết", Bess gật gật khi tôi dặn dò để về lại Sài Gòn.
Sau vài tháng qua lại Việt Nam như con thoi, một chiều muộn, với giọng ỉu xìu, Bess cho tôi biết chính thức chấm dứt ý định đầu tư vào Việt Nam sau những cuộc thương thuyết dài. "Họ đòi bôi trơn, sao tao có thể chấp nhận điều này", ông thở dài, "Thành thực mà nói, họ mới phải là người bôi trơn cho tao. Ít nhất, tao mang tiền, mang công việc, và mang thuế đến cho họ. Đúng không, hả Thanh?".
Tôi chẳng biết nói gì. Nhưng cũng chẳng ngạc nhiên, vì đây không phải lần đầu tôi gặp tình huống này. Trước Bess, một người anh em kết nghĩa nước ngoài kể với tôi, cậu từng phải đưa bao nhiêu tiền cho cán bộ nơi nào để làm gì. Sau này, cũng người em kết nghĩa đó gọi cho tôi, bảo em đổi nghề rồi, sang làm quản lý trại dưỡng lão. "Nghề này nhân văn hơn là phải sang Việt Nam hối lộ", bạn nói.
Còn Bess, ông quay sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Lan và Malaysia. Mấy tháng sau, ông vẫn còn chua chát: "Tại Trung Quốc, họ cần cả ‘hongbao’ và cả nhà đầu tư da trắng. Còn có những quan chức Việt Nam không cần người làm ăn đàng hoàng mà chỉ cần hongbao".
Hơn ba năm làm ăn ở Trung Quốc, tôi biết ông từng trải nghiệm qua nhiều cung bậc cảm xúc và sự khác biệt về văn hóa kinh doanh của một doanh nhân ngoại quốc với châu Á. Và đã không ít lần, ông bị gợi ý về ‘hongbao’. Nhưng kinh nghiệm và bản lĩnh của một doanh nhân quốc tế vẫn không làm ông chấp nhận nổi đòi hỏi chi ‘hongbao’ mà ông thấy phi lý của ai đó trong hệ thống công quyền Việt Nam.
Trước khi có ý định đầu tư vào đây, Bess và bộ phận pháp lý của mình đã tham khảo không ít tài liệu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ngày 29/1 năm nay, Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2018. Theo đó, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, và Trung Quốc được 39 điểm, hạng 87/180. Điều đáng nói, cả 2 quốc gia đều tụt 10 hạng so với năm 2017, dù cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn tiến ở cả hai quốc gia.
Wiley - trang mạng cung cấp thông tin toàn cầu cho giới doanh nhân hơn 200 năm qua - đưa ra kết luận: Tham nhũng là rào cản lớn nhất cho hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam, nghiêm trọng hơn bất kỳ các rào cản khác như thiếu hụt lao động kỹ năng cao, khả năng tiếp cận vốn vay, hay khả năng cung cấp điện, nước cùng tình trạng nghèo nàn của cơ sở hạ tầng.
Vấn đề là, nếu như quan chức nào đó đã giết chết một dự án đầu tư trong lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần như của Bess bạn tôi; thì ngược lại, cũng chính những quan chức đó, có thể mang lại những ưu thế cạnh tranh và món lợi khủng khiếp cho một doanh nghiệp khác, với lý do mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu. Cái giá một chữ ký của họ, có thể bằng 0 đồng với người này, nhưng bằng cả chục triệu đô, hàng trăm tỷ đồng với kẻ khác.
Những vụ án tham nhũng, vốn là đặc quyền của người nắm quyền lực, may thay vẫn được "lộ sáng" cho dân biết, dù tôi đoán là chưa hết. Nếu như vài năm trước, ta sửng sốt với những lời khai nhận vài chục, vài trăm tỷ đồng thì nay, ta đã phải làm quen tới con số nghìn tỷ và hơn thế nữa. Một người nông dân lao động cả năm, thu được vài tấn thóc, chắc tưởng tượng đến hết đời cũng không biết 3 triệu "đô" đổi qua tiền Việt, xếp chồng lên nhau thì nó cao bằng bao nhiêu bao lúa.
Lợi nhuận ròng trung bình năm 2018 của mỗi doanh nghiệp trong hơn 1.000 cái tên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam - cũng là những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong nền kinh tế - ở mức khoảng 275 tỷ đồng. Chỉ bằng một chữ ký nhà quan, số tiền mà AVG bị cáo buộc hưởng lợi bằng 25 năm lợi nhuận trung bình của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.
Quan hệ đi đêm giữa quan chức và các doanh nghiệp không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước, nuốt trôi tiền của nhân dân mà nguy hiểm hơn, nó phá nát môi trường kinh doanh lành mạnh, làm thui chột khả năng sáng tạo, nhiệt thành cống hiến và sức cạnh tranh của các doanh nhân chân chính. Sẽ có bao nhiêu doanh nhân chấp nhận cuộc cạnh tranh ngày một khốc liệt trên thị trường, với sự đầu tư ngày một rủi ro, để đạt mức lợi nhuận cũng chỉ tương đương với một vài cuộc đi đêm cùng quan chức?
Một quốc gia chỉ trở nên thịnh vượng khi có các doanh nghiệp mạnh. Một doanh nghiệp chỉ lớn mạnh nếu họ nắm giữ những know-how (bí quyết kinh doanh). Đó là giá trị riêng mà mỗi công ty chỉ có thể phát triển và tích lũy qua năm tháng, với chất xám và sức lao động, những chi phí không nhỏ dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D), các cuộc đua có cả mồ hôi và máu.
Gần 20 năm làm việc với hàng trăm doanh nghiệp, tôi thấu hiểu phần nào những thách thức và trăn trở của các ông chủ làm ăn đàng hoàng. Mỗi đồng được chi ra cho thị trường, cho nghiên cứu sản phẩm luôn bào mòn mức lợi nhuận vốn đã rất mỏng manh của doanh nghiệp. Và tôi cũng chứng kiến nhiều cái lắc đầu cay đắng của những doanh nhân có sản phẩm dịch vụ vượt trội nhưng bị loại khỏi các phi vụ đấu thầu đầy oan ức do thiếu bàn tay nâng đỡ.
Bí quyết kinh doanh, sự đam mê cống hiến, thậm chí là tri thức và kỹ năng vượt trội chẳng còn ý nghĩa gì nếu trong môi trường kinh doanh và cạnh tranh, người tử tế phải đối mặt với những doanh nghiệp chỉ sống bằng "know-who" - tôi gọi đó là "bí quyết đi đêm" - các mối quan hệ cửa sau với các vị có chức, có quyền, có thể ban phát những mối lợi khổng lồ dành cho thân hữu.
Know-how hay know-who không chỉ là hai vế của lựa chọn, mà nó còn mang tính triệt tiêu lẫn nhau. Doanh nghiệp sẽ ngày một cọc còi, nguồn lực xã hội sẽ ngày một tiêu tán nếu những chi phí vì sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi thành những ‘hongbao’ mà bên trong không cần dùng tiền Đồng, phải là USD cho nó gọn.
Ngô Trọng Thanh