Thông tin được Vụ trưởng Dân nguyện (Ban Dân nguyện) Nguyễn Ngọc Hùng nói với VnExpress chiều 10/5.
Sáng cùng ngày, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết đến tháng 9/2016, có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc trong khi họ không thuộc diện đóng. Có trường hợp đóng 20 năm nhưng không được tính hưởng lương hưu nên đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện BHXH tỉnh ra tòa án.
Theo ông Hùng, năm 2003 bắt đầu có chính sách BHXH bắt buộc, chủ hộ kinh doanh có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động có hợp đồng. Khi đóng cho lao động, họ đã đóng luôn cho bản thân và nhân viên BHXH tại địa phương "với suy nghĩ càng nhiều người đóng càng tốt, không phân loại, nên thu tiền cả những người không thuộc diện đóng".
"Đó là nguyên nhân thu sai rất nhiều người", ông Hùng nói, cho biết đến năm 2014, những trường hợp thu sai này mới được phát hiện và chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện. Từ năm 2003 đến nay, có người đã đóng được 20 năm nhưng không được hưởng chế độ hưu trí do không đúng đối tượng nên thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc chưa được cộng nối với thời gian chuyển sang bảo hiểm tự nguyện.
Ông Hùng cho rằng những chủ hộ kinh doanh này không sai vì họ có tinh thần đóng bảo hiểm. Cái sai thuộc về người thu bảo hiểm các địa phương. Tuy nhiên, rất nhiều vướng mắc chưa được giải quyết như tiền đã thu nộp vào quỹ, giờ trả cho người dân bằng cách nào, lấy tiền đâu để trả, trả thì tính thế nào và nếu họ không chấp nhận thì xử lý ra sao?
Theo Vụ trưởng Dân nguyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang xin ý kiến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để các chủ hộ kinh doanh nói trên được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm bắt buộc vào tự nguyện, đảm bảo đủ thời gian được hưởng chế độ hưu trí.
Việc này theo ông là hợp lý vì trước đây phó trưởng công an xã và phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã cũng bị thu BHXH bắt buộc dù không thuộc nhóm phải đóng. Sau đó, khi có đề nghị, những người này đã được cộng nối thời gian để chi trả chế độ.
Luật hiện hành quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động, cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương...
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, trong đó bổ sung chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương vào trong nhóm tham gia BHXH bắt buộc. Tiền lương đóng BHXH với chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã sẽ do người đó tự chọn, dao động 2-36 triệu đồng và sau một năm đóng được chọn lại.
Chính sách BHXH hiện chia hai loại hình bắt buộc và tự nguyện. BHXH bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
BHXH tự nguyện dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, được nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.