-
Theo thầy chữ " Hiếu" của con đối với Ông Bà, Bố Mẹ là phải như thế nào với cuộc sống hiện đại?
(Nguyễn Đình Hiện, 30 tuổi, số 6 nguyễn tất thành, p. 12, Q.4, TP.HCM)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Chữ Hiếu có sẵn trong tâm thức của mỗi người, là nét đẹp trong tâm hồn con người. Cho tới nay dù cuộc sống có thay đổi, đối mặt với nhiều vấn đề thời hiện đại, thì ý nghĩa chữ hiếu vẫn không thay đổi. Đó chính là sự tôn trọng, trân quý người sinh thành dưỡng dục ra mình, và luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm với những đấng sinh thành.
Trách nhiệm là làm sao để bậc sinh thành luôn vui mừng, yên tâm, tự hào về mình. Một phần nữa là chúng ta là sự tiếp nối của ông bà, cha mẹ. Nếu chúng ta sống đạo đức, tốt đẹp tức là biết bảo vệ mình, không bị đánh mất mình trước những biến đổi của xã hội. Đây cũng chính là thể hiện sự hiếu hạnh với cha mẹ.
Xuất phát từ tâm hiếu với cha mẹ, chúng ta có thể nhìn sâu, nhìn rộng ra ngoài xã hội để thấy được mọi người, những người cao tuổi cũng như ông bà, cha mẹ của mình. Chúng ta xây dựng được mối quan hệ giữa người với người tốt đẹp trong xã hội chúng ta.
-
Thưa đại sư cho con hỏi, hiện nay con có chí lớn muốn đi xa lập nghiệp, nhưng Ba Mẹ con không muốn con đi xa mà con vẫn nhất quyết đi để lập nghiệp, vậy có gọi là bất hiếu không?
(Nguyễn Việt Thắng, 8/8 Mạc Đỉnh Chi - Phường 7 - TP Vị Thanh - Hậu Giang)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Tình cảm của cha mẹ với các con là rất tự nhiên, luôn muốn con gần gũi, bao bọc, chăm sóc con. Ở bên mình, cha mẹ luôn cảm thấy con được an lành hơn. Tâm lý cha mẹ là không thấy con đâu là luôn lo lắng, bất an. Việc con đi xa lập nghiệp, tâm lý chung là cha mẹ không muốn. Nhưng ở bên cha mẹ không có nghĩ là bất hiếu hay không. Cái quan trọng là chúng ta phải thể hiện tình cảm, sự quan tâm với cha mẹ, để thể chất cũng như tinh thần của cha mẹ được an vui, mạnh khỏe. Tuy nhiên khi bạn quyết định đến lập nghiệp ở nơi xa, thấy nó phù hợp với khả năng, điều kiện của mình thì nên có thời gian để chia sẻ, nói rõ cho cha mẹ hiểu và yên tâm với mình. Và chúng ta có niềm tin là cha mẹ lúc nào cũng mong muốn cho con tốt đẹp. Cha mẹ luôn có đức hy sinh vì sự phát triển tốt đẹp của con cái.
-
Xin Đại đức Thích Thanh Huân cho con hỏi: Vợ con theo đạo Thiên Chúa Giáo của con, tụi con có làm lễ cưới ở nhà thờ và hiện nay đã có 2 cháu, cách đây 4 năm vợ con tự ý làm bàn thờ Phật tại nhà của hai vợ chồng (nhà đã có bàn thờ Chúa).Vợ con làm vậy có đúng với đạo lý và chữ hiếu của nhà Phật không ạ? Con rất mong được Địa Đức quan tâm giảng giải để chúng con hiểu. Con xin cảm ơn
(Đỗ Nhất Thành, 47 tuổi, 109 Ấp chợ, Xã Trung an, TP Mỹ Tho Tỉnh Tiền Giang)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Xã hội ta có rất nhiều người có niềm tin khác nhau, các đức tin đều thành thiện tốt đẹp, hướng con người trở về cái thiện, tránh xa điều xấu ác. Đặc biệt trong một gia đình, mỗi cá nhân nên tôn trọng niềm tin của mọi người, trong đó có niềm tin tôn giáo. Niềm tin này không ngừng được xây dựng, củng cố cho tốt lên. Giữa Công giáo, Phật giáo đều có điểm chung là hướng con người tới cuộc sống có đạo đức, coi các vị giáo chủ, sáng lập ra đạo là những bậc tốt đẹp, đem đến sự an lành cho nhân loại. Chúng ta kính lễ phật hay kính lễ Chúa cũng là điều bình thường cho con người.
Việc đầu tiên tôn thờ Chúa, sau đó tôn thờ Phật là việc làm rất tự nhiên. Thờ Phật, thờ Chúa, thờ Tổ tiên trong gia đình đều được cả, không khác gì việc chúng ta tôn kính các bậc vĩ nhân, noi theo những hạnh đức của các vị ấy, ví dụ từ bi trí tuệ, vị tha của đạo phật, tinh thần bác ái cùa công giáo. Tất cả như chấy liệu để vun đắp cho ta có thêm nhứng đúc tính tốt đẹp.
-
Thưa Trụ trì, Hiện nay con thấy có rất nhiều bạn trẻ nghiện chơi game, đặc biệt là các trò chơi bạo lực, nó làm thay đổi không nhỏ tới con người họ, trong đó phải kể đến thái độ và hành động của họ đối với gia đình mình, làm mất dần đi chữ "hiếu " trong họ. Con muốn hỏi trụ trì là có cách nào thức tỉnh con người họ không ạ? Con xin cảm ơn!
(Nguyễn Thị Thành, 27 tuổi, Hà Nội)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Những năm gần đây chơi game thu hút rất nhiều bạn trẻ, nhiều bạn tốn thời gian, sức lực vào trò chơi. Không ít bạn bị thay đổi tính nết, có thái độ thái quá trong cuộc sống. Game có những trò bạo lực, làm thay đổi tính nết, không còn giữ chữ hiếu với cha mẹ, không còn cư xử tốt với người xung quanh.
Theo tôi cần hướng bạn trẻ biết những tác hại nếu chơi game thái quá, trong nhà Phật dùng là từ không chính niệm khi chơi game. Không chính niệm là không ý thức lợi hại khi chơi game, do vậy rất dễ bị các trò chơi tác động theo hướng tiêu cực. Những gì thái quá đều không tốt.
Với những bạn trẻ này thì cần chỉ ra những mặt trái của game. Tôi biết từng có trường hợp là niềm tự hào của dòng họ, vì học giỏi, thông minh. Nhưng khi đắm mình vào game, bạn đã quên ăn, quên ngủ, sao nhãng học hành. Bạn ấy đã chơi suốt 3 ngày không ăn, ngủ, đến nỗi trở thành người khác thường. Từ đó bạn ấy rơi vào trạng thái ngờ nghệch. Điều này rất nguy hiểm. Ở chùa chúng tôi đã thấy được tác hại, nghe rất nhiều than phiền, chúng tôi đã mở những lớp tu học để giáo dục, thức tỉnh các em.
Khi tham gia bất kỳ trò giải trí nào cũng nên có một thời lượng thích hợp, tiếp xúc với màn hình đừng nên quá nhiều, khiến mắt bị tổn thương và tổn hại đến sức khỏe, tinh thần nói chung. Thay vì chơi game, ta có thể tìm những trò thay thế, ví dụ vận động thể chất, tham gia các lớp võ thuật. Cách này giúp các em không bị trống vắng.
Chúng tôi cũng mong muốn có những lớp học dành cho nhiều lứa tuổi. Lớp học có thể ở trường, ở chùa. Hiện các lớp học ở chùa nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, cũng như các cháu rất vui thích. Phụ huynh và cả học sinh đã đề nghị mở lớp thường xuyên, nếu không được trong tuần thì trong tháng.
Thầy cô giáo ở trường cần nói rõ tác hại của việc sử dụng thái quá một trò chơi gì đó.
-
Thưa thầy, con nhận thấy cuộc sống hiện đại mang lại nhiều tiện ích cho con người nhưng chữ Hiếu ngày càng bị "thụt lùi" đi thì phải. Con thường xuyên đọc được các thông tin như con cháu đánh giết bố mẹ ông bà - chuyện mà thời trước rất rất hiếm. Thầy cho con hỏi Luật Nhân Quả sẽ ứng như thế nào với chữ "Hiếu" của 1 số bộ phận đang sống với tư tưởng lệch lạc như hiện tại ạ. Con xin cảm ơn
(Nguyễn Việt Phong, 29 tuổi, Yên Phụ - Tâ Hồ - HN)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Mỗi con người, hiếu hạnh là cội nguồn để sinh ra muôn vàn đức tính khác. Gốc này không có, hoặc giảm sút thì con người sẽ trở thành khô cằn, không tìm được lẽ sống tốt đẹp ở đời. Nếu ta bị những giá trị vật chất chi phối, chạy theo vật chất, quên đi giá trị sống tốt đẹp, nhân văn thì tâm hồn chúng ta sẽ trống trải hoang vắng. Mối quan hệ giữa người với người không còn tình, đẫn đến cái cao quý nhất là mối quan hệ phụ tử, huynh đệ bị lung lay, tổn thất. Thậm chí có không ít trường hợp cha mẹ bị con cái đối xử thô bạo, đánh chừi, nguyền rủa.
Tình cảm thiêng liêng nhất đã bị họ chà đạp thì không phải đợi quả bảo kiếp sau, mà ngay trong hiện tại họ đã phải sống trong quả báo. Đó là sự bất an, bị chê cười, không tìm được niềm vui trong cuộc sống, không thể có hạnh phúc an lành. Và họ còn bị pháp luật xử lý. Nhân quả rất kề cận với nhau. Hãy thử nghiệm, nếu chúng ta có tâm hiếu với cha mẹ, anh em thì từ tâm hiếu kính này sẽ có ứng xử tốt với cha mẹ, anh em, cộng đồng. Từ đó ta thấy cuộc sống thanh thản, tự tại.
-
Bạch thầy cho con hỏi: Nếu con cái đi xuất gia, không lập gia thất theo mong muốn của bố mẹ có gọi là bất hiếu không ạ? Kính xin Đại Đức chỉ dạy cho Con cách đối diện với cha mẹ trong việc này.
(Dấu tên, 32 tuổi, Hà Nội)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Nhìn chung cha mẹ muốn con cái trưởng thành mọi mặt, trong đó có việc sớm có gia thất, sinh con cái. Phần lớn con cái thuận theo lẽ tự nhiên đó, lớn lên lấy vợ, sinh con. Tuy nhiên cũng có một số chưa muốn hoặc không muốn có gia đình, cho rằng gia đình là cái ràng buộc làm mất tự do cá nhân. Có những vị do niềm tin tôn giao xuất gia đi tu, không lập gia đình con cái.
Theo quan niệm Nho giáo ngày xưa, có 3 điều bất hiếu với cha mẹ, trong đó không có con là bất hiếu lớn nhất. Từ quan niệm này dẫn đến hệ lụy trọng nam khinh nữ. Quan niệm này không hẳn là đúng, không phải có con cái mới là có hiếu. Chữ Hiếu ở đây là chăm lo cho cha mẹ được an vui, hướng cho cha mẹ có cuộc sống thánh thiện.
Chúng ta nên dành thời gian gần gũi để cha mẹ hiểu được tâm tư nguyện vọng của mình. Nếu mong muốn của mình là chính đáng thì cha mẹ sẽ đồng thuận. Vì không bậc cha mẹ nào không muốn con mình được hạnh phúc. Miễn là những điều mong muốn của người con hợp lý.
* Clip Hòa Thượng Thích Thanh Nhã thuyết pháp về tích Vu Lan
-
Có những trường hợp (hãn hữu) cha mẹ không phải là tấm gương tốt cho con cái, như vậy trong trường hợp này người con phải thể hiện chữ Hiếu như thế nào đối với cha mẹ, thưa Đại sư?
(Bqtung, 40 tuổi, Hà nội)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Đúng là thực tế có những bậc làm cha mẹ có những lời nói, việc làm chưa xứng đáng với vai trò của mình, có những người cha mẹ nhẫn tâm, bỏ rơi con cái, phó mặc cho xã hội. Trường hợp như vậy dẫn đến con cái bơ vơ trong xã hội. Có hai khả năng, một là đứa trẻ vẫn được sự nâng đỡ của dòng tộc, lớn lên bình an. Hai là đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, cuộc sống khó khăn, mất mát rất lớn, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Nếu những người con đã trưởng thành thì hãy lấy bản thân mình làm bài học, rằng có nhiều người như mình trong xã hội. Hơn ai hết những người không may mắn trong trường hợp này cảm nhận được sự mất mát và cần phải việc làm thiết thực. Thứ nhất là nhìn lại cha mẹ mình, suy nghĩ thật thấu, có thể có những tác động trong cuộc sống khiến cha mẹ suy nghĩ, quyết định sai lầm. Lỗi đó có thể không phải do cha mẹ, khiến họ không làm tròn thiên chức, trở thành vô cảm với con cái. Sau khi có sự thông cảm ta hãy đến với cha mẹ mình. Tin rằng với tình cảm chân thực của mình sẽ cảm hóa được cha mẹ. Nhiều khi cha mẹ có suy nghĩ mặc cảm với con cái vì lỗi lầm, từ đó , không dám gặp. Trường hợp này thì ta phải chủ động gặp, cảm thông với cha mẹ, dùng tình cảm mẫu tử để đánh thức, thay đổi được cha mẹ.
Trong Phật giáo có dạy chúng ta quân tâm tới cha mẹ ở hai phương diện, vật chất và tinh thần. Vật chất sao cho cha mẹ được no đủ, không bị đói rét, thiếu thốn, bằng lòng với cuộc sống thực tại. Tinh thần là làm cho cha mẹ được an vui, hướng cho cha mẹ cuộc sống tốt đẹp về mặt nhận thức. Trong nhiều gia đình cha mẹ say mê với cờ bạc, rượu chè, lô đề. Là con cái trong gia đình chúng ta phải có tình thương, kiên trì tìm cách cảm hóa chuyển đổi nhận thức của cha mẹ.
-
Kính thưa Trụ trì, thầy có nói chữ Hiếu tức là phải làm cho bậc sinh thành luôn yên tâm, tự hào về mình. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, cuộc sống với con vẫn đang rất bộn bề, bản thân con vẫn chưa thể làm gì để mình cảm thấy ưng ý chứ đừng nói là để bố mẹ tự hào. Vậy có nghĩa là con bất hiếu rồi đúng không ạ?
(Phạm Bình, 28 tuổi, TP.HCM)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Chữ Hiếu thể hiện ở sự quan tâm, luôn tôn kính cha mẹ. Có thể trong lúc này bạn đang gặp khó khăn, chưa báo đáp được về mặt vật chất cho cha mẹ, nhưng nếu bạn vẫn luôn quan tâm tới cha mẹ thì vẫn không thể coi là bất hiếu. Bạn chỉ cần thể hiện là người có lý tưởng, định hướng trong cuộc sống, khiến cha mẹ yên tâm, thấy con mình đã trưởng thành tức là bạn đã có hiếu rồi.
-
Xã hội bây giờ nhiều người mãi làm ăn, quên mất chữ Hiếu. Đến khi Bố Mẹ mất đi, mới giật mình hối hận vì mình chưa đền đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Báo đáp chữ Hiếu với bố mẹ khi đã mất là những việc làm và suy nghĩ thế nào. Bố mẹ ở nơi chín suối có biết không, thưa Thầy?
(Hoàng Oanh, 45 tuổi, tp Tuy Hòa, Phú Yên)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Trong cuộc sống nhiều người rất dễ mắc sai lầm sống vô tâm với mình và mọi người xung quanh. Những xô bồ cuộc sống cuốn con người đi, khiến không ít cá nhân xao nhãng trách nhiệm của mình với cha mẹ, gia đình. Đây là điều thiếu sót rất lớn, để đến khi thời gian qua, cơ hội sống tốt với nhau không còn nữa thì ta mới hối hận. Khi cha mẹ mất rồi mới ngộ ra những sơ sót là không báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ.
Trường hợp này ta phải rút ra bài học không được sống vô tâm với gia đình cũng như mọi người xung quanh. Phải thực tập nếp sống rất sâu sắc, quan tâm tới mọi người. Các bạn đừng nghì bố mẹ mất đi là mất tất cả, không còn cơ hội báo đáp. Thực tế thì bố mẹ vẫn đang ở trong mỗi chúng ta, trong cơ thể của mình, trong anh em, huynh đệ dòng tộc mình. Muốn báo đáp cha mẹ thì hãy xây dựng mối quan hệ của mình với mọi người cho tốt, đừng sa vào nếp sống đánh mất bản thân mình. Khi ta tạo được cuộc sống an lành tốt đẹp cho cá nhân, cho mọi người thì bố mẹ mình không chỉ nơi chín suối được an vui mà ngay cả bố mẹ trong bản thân chúng ta cũng được an vui.
-
Thưa thầy bà ngoại con 97 tuổi có 3 con dâu không chăm sóc mẹ chồng, vậy mà Lễ Vu Lan nào cũng linh đình cúng lễ. Vậy có phải cúng nhiều là báo hiếu hay không, thưa thầy?Xin cám ơn thầy.
(nguyễn thái định, 40 tuổi, 558 nguyễn van cừ long biên hà nội)Đại Đức Thích Thanh Huân - trụ trì chùa Pháp Vân:
Báo hiếu phải thể hiện trong cuộc sống thực tại. Với cha mẹ phải quan tâm đến vật chất tinh thần. Báo hiếu là phải rèn luyện trở thành người tốt, đem lại lợi ích cho xã hội. Cúng lễ chỉ thể hiện một phần tư tưởng, tình cảm của người con có hiếu. Cúng lễ Vu Lan biểu hiện tình cảm của con cháu với ông bà tổ tiên, là mong muốn hướng về cái thiện. Nếu một năm dịp Rằm tháng Bảy mới cầu phúc, làm phúc, hoặc chăm đi lễ mà quên mất cha mẹ hiện tại của mình thì từ xưa trong dân gian đã chê trách, coi là bất hiếu. Người ta vẫn hay nói đó là có ông Phật ở nhà không thờ mà đi thờ ông Phật ngoài đường. Đạo Phật coi trọng chữ hiếu, cha mẹ, Đức Phật dạy cha mẹ chính là vị Phật thiêng liêng mình phải biết đến tri ân, báo ân.