* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Là một trong bốn phim Việt ra rạp dịp Tết, Mai do Trấn Thành tự đạo diễn, phát triển câu chuyện cùng biên kịch Bình Bồng Bột. Trước thời điểm ra rạp, phim gây chú ý khi được Trấn Thành giới thiệu là dự án dồn nhiều tâm huyết với mức kinh phí 50 tỷ đồng - cao nhất sự nghiệp anh.
Nếu Bố già, Nhà bà Nữ - hai tác phẩm trước của Trấn Thành - khai thác mâu thuẫn thế hệ trong gia đình, Mai là góc nhìn về những phụ nữ yếu thế, chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Phim mở đầu với cảnh Mai (Phương Anh Đào) - một nhân viên massage 37 tuổi - dọn đến ở một khu chung cư. Từ ngày đầu, cô đã chịu ánh mắt dị nghị từ những người hàng xóm, bị cho là "làm gái", đồng thời thu hút sự quan tâm của Dương (Tuấn Trần) - nhạc công đa tình. Anh bắt đầu săn đuổi cô song luôn bị khước từ.
Với thời lượng hơn hai giờ, không nhiều tình tiết cao trào, tác phẩm vẫn thu hút bằng lối dẫn chuyện của đạo diễn. Đầu phim, chân dung của Mai được vẽ qua góc nhìn của những người xung quanh cô. Với các bà nội trợ ở khu chung cư, Mai là mối đe dọa đến hạnh phúc gia đình khi cô được nhiều đàn ông để ý. Với những đồng nghiệp ở khu spa, cô trở thành hiểm họa vì làm việc năng suất, khách hàng yêu quý. Mai từ đó là cái gai trong mắt họ, luôn bị kiếm chuyện, như cách một bà hàng xóm lén lút đổ rác trước nhà cô mỗi ngày.
Dương - chàng trai kém Mai bảy tuổi - nhìn được những ẩn ức giấu trong bề ngoài lạnh lùng của cô. Anh vuốt ve những vết sẹo trên người Mai, chạm đến những tâm sự sâu kín, từ đó đánh thức khát khao trong cô. Trong sâu thẳm, cô tự ti bản thân là gái lỡ thời, nhưng cũng dấy lên cảm giác muốn hạnh phúc sau khi trải qua một quá khứ nhiều sóng gió.
Ở các phim trước, Trấn Thành gây tranh cãi vì bị cho lạm dụng các câu thoại chửi thề, khiến không khí tác phẩm trở nên ồn ào, xô bồ, kém điện ảnh. Với Mai, anh tiết chế những cảnh đấu khẩu giữa các nhân vật, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, đậm tính đời thường hơn. Là đồng biên kịch, Trấn Thành đưa vào phim những màn đối thoại nhiều dụng ý, như cảnh Mai và Dương tranh luận về việc đừng vội phán xét một người dựa trên vẻ ngoài của họ.
Trong tác phẩm thứ hai tự đạo diễn, Trấn Thành kiểm soát được nhịp phim, hiếm khi để người xem có cảm giác nhàm chán vì chi tiết dông dài. Anh cân bằng chất bi, hài của tác phẩm để phim không sa đà vào những tình huống gây cười dễ dãi. Nhiều phân đoạn thể hiện óc lãng mạn của đạo diễn, như cảnh giả tưởng Mai và Dương khiêu vũ trên nền nhạc cổ điển, mọi người đứng quanh vỗ tay chúc tụng, nói lên khát khao hạnh phúc của đôi nhân vật.
Khi công bố dự án, Trấn Thành kỳ vọng Mai là tác phẩm giúp anh chứng tỏ tay nghề làm phim. So với các tác phẩm trước, phim mới có nhiều "đất" để anh thể nghiệm những góc quay giàu chất điện ảnh. Đầu phim, máy quay bám sát nữ chính Mai khi cô kéo vali trên con đường vắng giữa đêm, ngụ ý về hoàn cảnh lẻ loi của nhân vật. Khi Mai dọn đến khu chung cư cũ, một cảnh one-shot khắc họa không gian sống của cô trước ánh nhìn soi mói từ hàng xóm.
Khác Nhà bà Nữ, Trấn Thành không sử dụng các góc quay chật, zoom cận mặt diễn viên để tạo cảm giác chênh chao, ngộp thở. Thay vào đó, anh có những khung hình tĩnh, như cảnh Mai vừa tẩy trang vừa nhìn mình trong gương, khóc vì chua chát cho cuộc đời cô. Khi Mai đối mặt với mẹ Dương, đạo diễn chọn lối quay tương phản, làm bật lên sự khác biệt về vai vế, giàu - nghèo giữa hai nhân vật. Ở kết phim, cách xử lý góc máy của đạo diễn gợi nhớ đến màu sắc giàu chất thơ của La La Land - phim từng đoạt sáu giải Oscar 2017.
Lucas Luân Nguyễn - cây bút chuyên dịch sách về điện ảnh - đánh giá Mai là bước tiến mới của Trấn Thành, đặc biệt về phần tư duy hình ảnh. Theo anh, nội dung Mai không bị nhuốm màu tiêu cực như Nhà bà Nữ khi khai thác đề tài định kiến xã hội với tình yêu. "Tôi đặc biệt thích hồi ba, khi nhân vật Mai quyết định bung ra hết những bí bách trong lòng, dẫn đến một cao trào căng thẳng", Lucas cho biết.
Bên cạnh lối kể chuyện của Trấn Thành, diễn xuất của Phương Anh Đào làm nên sức hút cho tác phẩm. Từng đóng nhiều dạng vai sắc sảo (Chàng vợ của em), mộc mạc (Tro tàn rực rỡ), đến Mai, Phương Anh Đào mới cơ hội tỏa sáng với những phân đoạn đào sâu về nội tâm. Diễn viên 31 tuổi thuyết phục người xem trong cảnh chật vật nuôi con một mình, sự buồn tủi, bất lực khi con quấy khóc. Cô cũng thể hiện tốt nỗi uất hận trong ánh mắt của Mai trước Hoàng (Trấn Thành đóng) - người cha mê cờ bạc, liên tiếp đẩy cô tới đường cùng. Một trong những phân cảnh đáng nhớ của phim là khi Mai ôm Dương òa khóc, thổ lộ cảm giác thèm được yêu vì "sắp 40 tuổi rồi".
Ở dàn vai phụ, Hồng Đào thể hiện bản lĩnh của diễn viên gạo cội. Nửa đầu phim, nhân vật bà Đào tạo được nhiều tiếng cười khi vào vai khách "ruột" của Mai, luôn khuyến khích cô sống hết mình vì tình yêu. Ở nửa sau, khi bà Đào tiết lộ thân phận, diễn viên được nâng lên thứ chính với nhiều cảnh bộc lộ giằng xé trong nội tâm. Các vai khác, như những hàng xóm thích phán xét, đồng nghiệp xấu tính, cũng được casting phù hợp, làm nên hệ thống nhân vật giàu màu sắc trong thế giới của Mai.
Âm nhạc cổ điển góp phần dẫn dắt cảm xúc cho phim. Ở cảnh Mai và Dương hẹn hò trong quán lounge, giai điệu Mùa thu mây ngàn (Từ Công Phụng) vang lên trên phím đàn piano. Nhiều bản nhạc phim được Trấn Thành chọn hợp chủ đề, như một ca khúc của Phan Mạnh Quỳnh, để nói thay tiếng lòng nhân vật.
Phim bị mắc một số hạn chế về logic trong kịch bản, bối cảnh. Nhiều khán giả nhận xét không gian tiệm spa - nơi Mai làm việc - được thiết kế chưa hợp lý khi phòng của nhân viên nữ có cửa thông với phòng thay đồ của khách nam, dù ý đồ đạo diễn nhằm phục vụ cho một cảnh quay. Trần Xuân Phúc - làm mảng truyền thông về phim ảnh ở TP HCM - đánh giá độ "chemistry" (hòa hợp) giữa Phương Anh Đào, Tuấn Trần chưa tốt ở một số phân cảnh.
Một số ý kiến cho rằng phim có nhiều cảnh khóc sướt mướt, không phù hợp không khí dịp Tết. Tuy nhiên, Trấn Thành nói với anh, Mai là sự pha trộn của nhiều cung bậc, nước mắt không đồng nghĩa với sự khổ đau, bi lụy. "Nước mắt cũng có giá trị vỗ về cảm xúc. Tôi kỳ vọng khi khán giả xem và nhìn lại, họ sẽ thấy câu chuyện bản thân trong đó", anh nói.
Mai Nhật