Sáng 13/3, Đội an ninh công an quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) thông báo kết quả điều tra ban đầu về công trình trái phép thuộc đất của Tổng kho miền Trung ở số 3 đường Phạm Hùng (phường Hòa Xuân), cùng sự xuất hiện của nhóm người Trung Quốc tại "khu phố" này.
Theo điều tra, công ty VietMay Home cho công ty TNHH Liên hợp Thế Duy (trụ sở 67 Ngô Thì Nhậm, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thuê đất. Công ty Liên hợp Thế Duy sau đó cải tạo xây dựng thành công trình Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam.
Lúc 8h ngày 9/3, khi công an và quy tắc đô thị kiểm tra, đơn vị thi công không xuất trình được hợp đồng thuê đất cũng như giấy phép cải tạo. 9h cùng ngày, một đoàn khách 5 người Trung Quốc, được ông Nguyễn Công Nguyên (30 tuổi, hướng dẫn viên du lịch) đưa vào công trình.
Khi công an kiểm tra, ông Nguyên không đeo thẻ hướng dẫn viên, không xuất trình được giấy phân công hướng dẫn viên, chương trình đoàn khách, hợp đồng lao động. Ông Nguyên đã thừa nhận sai phạm của mình.
"Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, đề xuất chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ xử phạt vi phạm hành chính với ông Nguyên. Riêng nhóm người Trung Quốc khai đến khu công trình trên để đi du lịch", ông Văn Công Bình, đội phó an ninh công an quận Cẩm Lệ nói.
Trong khi đó qua điện thoại, ông Bùi Đăng Thiên, Giám đốc công ty TNHH Liên hợp Thế Duy, lại cho biết nhóm người nước ngoài này là chuyên gia về trà đạo, được một đơn vị khác bảo lãnh mời sang Việt Nam dự sự kiện Festival cà phê ở Buôn Mê Thuột. "Khi những người này đi khảo sát thị trường ở miền Trung, chúng tôi có kết hợp mời họ đến shop của mình xem", ông Thiên nói.
"Khu phố" bên trong nhà kho xây không phép. |
Ông Thiên cho hay, "khu phố" không phép do công ty đầu tư xây dựng để làm nơi "giới thiệu trà, cà phê và nông sản Việt Nam cho du khách nước ngoài". "Thị trường chúng tôi hướng đến là khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng", ông Thiên khẳng định.
Theo ông Thiên, khi thuê lại nhà kho của công ty VietMay Home, nơi đây đã là một công trình xây dựng kiên cố và có giấy phép xây dựng. Phía công ty khi cải tạo không đả động đến kết cấu móng và kết cấu xung quanh, chỉ làm những gian hàng nhỏ dạng mô hình, nên không xin phép cơ quan chức năng.
Nêu lý do xây không phép, ông Thiên nói: "Chúng tôi nhận thiếu sót do nhầm lẫn và chưa hiểu rõ giữa việc cải tạo và xây dựng. Hiện chúng tôi đã làm hồ sơ xin giấy phép bổ sung trình Sở Xây dựng".
Trả lời câu hỏi có hay không người Trung Quốc đứng đằng sau công ty và công trình "khu phố" này, ông Thiên khẳng định: "Chúng tôi góp vốn với đối tác khác, nhưng 100% vốn là của Việt Nam. Giấy phép kinh doanh đều thể hiện như thế".
Riêng về kiến trúc "khu phố", ông Thiên nói công trình được thiết kế theo nhà cổ ở Hội An và Hà Nội "còn có giống kiến trúc Trung Quốc hay không là tùy cảm nhận của mỗi người".
Trước đó ngày 9/3, chính quyền phường Hòa Xuân phối hợp với công an, quy tắc đô thị đến kiểm tra nhà kho tại số 3 đường Phạm Hùng và phát hiện phía trong là một "khu phố" với 6 ngôi nhà theo kiến trúc cổ được xây thành hai dãy liền kề, đối xứng nhau, diện tích 1.500 m2.
Do đơn vị thi công không xuất trình được giấy phép xây dựng, UBND phường Hòa Xuân đã lập biên bản "Vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình vi phạm".
"Công trình này xây trong nhà kho kín, nếu không có tin báo của người dân thì không thể phát hiện ra", ông Võ Linh Thể, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân, nói và cho biết thêm phường Hòa Xuân kiến nghị UBND quận Cẩm Lệ đề nghị Sở Xây dựng không cấp giấy phép bổ sung.
Chiều 13/3, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết đã nhận được văn bản đề nghị không cấp giấy phép bổ sung với cụm công trình vi phạm của UBND quận Cẩm Lệ, đồng thời công ty Liên hợp Thế Duy có văn bản xin cấp giấy phép bổ sung. "Chúng tôi đang giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu, chưa có quyết định", ông Nam nói.
Nguyễn Đông