Đến New York, du khách sẽ thấy bức tượng đồng trong Công viên Trung tâm Manhattan. Công trình này được dựng lên để vinh danh Balto - chú chó đóng góp một phần quan trọng công cuộc giải cứu người dân Nome, Alaska khỏi dịch bệnh.
Vào tháng 1/1923, các bác sĩ ở Nome bắt đầu phát hiện triệu chứng bệnh bạch hầu ở một số người dân trong thị trấn. Họ rất lo lắng vì trước đó, từ năm 1921, dịch bệnh mũi họng đã gây ra cái chết cho hơn 15.000 người Mỹ.
Bệnh dịch có thể đặc biệt nguy hiểm với các thị trấn xa xôi biệt lập, vì phương pháp điều trị thường chỉ có ở những trung tâm đô thị. Với những cư dân Nome thời đó, những liều huyết thanh chống bạch hầu chỉ có ở thành phố Anchorage, cách đó hơn 830 km. Mùa đông khắc nghiệt của Alaska khiến giao thông gần như tê liệt, và cái chết đang đến rất gần với thị trấn nhỏ.
Tuy nhiên, một đoàn chó kéo xe có thể cứu họ. Những nhà sản xuất huyết thanh chất đồ đạc, lương thực lên xe kéo và bắt đầu hành trình khắc nghiệt mang tên Chuyến đi vĩ đại của Lòng trắc ẩn, hay cuộc chạy đua đưa huyết thanh đến Nome năm 1925.
Con đường duy nhất để đưa huyết thanh từ Anchorage tới Nome băng vùng hoang dã Alaska, hành trình hơn 1.000 km có thể mất hơn một tháng - quá dài đối với những cư dân giữa ổ dịch. Đường dài, nếu vừa chạy vừa nghỉ, đoàn cứu trợ sẽ chỉ mất thêm thời gian và không ai đủ sức đi cả quãng đường dài như vậy. Do đó, huyết thanh được những đoàn khác nhau chuyển tiếp, theo những chặng ngắn.
"Wild Bill" Shannon, một người đánh xe chó kéo, lên đường ngày 27/1/1925. Lấy huyết thanh được vận chuyển từ thành phố Nenana đến Anchorage bằng tàu hỏa, từ đây Shannon và đoàn chó kéo của mình tiếp tục chạy dưới trời -50 độ C cho kịp đến Nome. Mất bốn con chó trên đường và mũi đen kịt vì bỏng lạnh, Shannon đã đưa huyết thanh chuyển tiếp nhiều lần đến với một đoàn xe chó kéo do Leonhard Seppala dẫn đầu.
Vốn là cư dân của Nome, Seppala đã nhập một đoàn chó husky từ Siberia để kéo chiếc xe trượt tuyết qua chặng gian nan nhất của hành trình. Chú chó Togo 12 tuổi dẫn đầu đàn.
Đàn chó của Seppala vượt qua hơn 270 km trong trời gió lạnh đến -65 độ C, đi qua những hồ nước đóng băng, và leo núi Little McKinley hơn 1.500 m, đội của Seppala đưa huyết thanh tới cho đoàn của Charlie Olson, và tới tay Gunnar Kaasen - người hoàn thành nốt khoảng 90 km cuối cùng của chuyến đi.
Đồng hành với Kaasen là chó Balto. Không ai nghĩ rằng chú chó Siberian Husky đen trắng này sẽ ghi danh vào lịch sử. Balto là một con chó chậm chạp, và nó thường bị bỏ qua khi những người đánh xe phải chọn ra con đầu đàn. Điều đó đã thay đổi vào mùa đông năm 1925 khi Kaasen chọn Balto dẫn đoàn chó kéo xe giao huyết thanh đến Nome. Kaasen đã thành công khi đưa huyết thanh cứu người cho bác sĩ Welch của Nome vào ngày 2/2, chỉ sáu ngày sau khi chuyến đi bắt đầu.
Trong quãng đường hơn 1.000 km do 20 người đánh xe chó kéo và khoảng 150 con chó, Kaasen và chó Balto chỉ đi qua gần 90 km cuối cùng. Nhưng khi đoàn xe bị cuốn vào một trận bão tuyết tàn khốc đến mức Kaasen khó có thể phán đoán phương hướng, Balto đã dẫn đường và chưa một lần mắc sai lầm. Đó là lý do cư dân Nome vô cùng mừng rỡ khi thấy chú chó này dẫn đoàn vào thị trấn giữa lúc không khí căng thẳng nhất.
Balto trở thành cái tên nổi tiếng, và New York đã vinh danh nó bằng một bức tượng đồng một năm sau khi nó trở lại thành phố. Năm 1995, Universal Pictures đã phát hành một bộ phim hoạt hình thiếu nhi mô tả hành trình của chó Balto. Balto qua đời vào năm 1933 ở tuổi 14, và thi thể của nó được lưu giữ cho khách tham quan trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Cleveland ở bang Ohio.
Bảo Ngọc (Theo ATI)