Cây bút chì và mẩu giấy
Ngày bé, khi được đọc và dịch một đoạn về chú chim có tên Kiwi không biết bay đến từ đất nước New Zealand đã khiến tôi tò mò và thích thú với mảnh đất kỳ lạ. Tôi còn nhầm tưởng đấy là nước Anh vì có lá cờ chữ thập. Rồi câu chuyện về chú chim ấy được ngủ yên trong ký ức nhỏ bé của tôi bởi với một đứa trẻ ở thời ấy chưa từng một lần được biết đến Internet, thậm chí là một tờ tạp chí được xem là thứ xa xỉ. Sau này, ký ức về chú chim lạ lùng đó lại là chìa khóa mở niềm vui giúp tôi “Rung Chuông vàng” ở trường. Cái duyên ngầm với chú chim ấy thật kỳ lạ cho đến giờ tôi vẫn không thể lý giải nổi có những điều ngẫu nhiên trong cuộc đời mình.
Cuộc đời tôi được đánh dấu bằng những năm tháng lận đận và long đong, ước mơ trở thành bác sĩ đành tạm gác lại bởi một tai nạn. Bác sĩ lắc đầu và tôi trở thành gánh nặng cho gia đình. Đó là những năm tháng không bao giờ quên của cuộc đời. Trong những năm tháng nhìn quanh 4 bốn bức tường trắng, không thể đi lại ấy, tôi đã tưởng tượng đủ thứ khi chỉ nằm một chỗ bất lực.
Tôi đã tìm được niềm yêu thích từ cây bút chì và mẩu giấy. Những ước mơ đều được vẽ trên những mẩu giấy, tràn ra cả những nan gỗ vìa giường và không biết từ bao giờ điều đó trở thành niềm vui nho nhỏ khiến tôi muốn sống hơn, hy vọng hơn… 5 năm sau tai nạn, khi các bạn cùng trang lứa tốt nghiệp ra trường cũng là lúc tôi bắt đầu đi thi và đỗ vào đại học mỹ thuật. Vậy là ước mơ từ mẩu giấy đã trở thành hiện thực. Cuộc đời đã dạy tôi biết yêu và chia sẻ.
Yêu thương cho đi là yêu thương ở lại
Hai năm sau, tôi mở một quán trà nhỏ đồng thời dạy vẽ miễn phí cho học sinh từ 6 đến 9 tuổi. Rất nhiều người tò mò nhưng không ai đăng ký, có thể họ ngại hay vì một lý do gì thì tôi cũng không biết nữa, cho đến một buổi chiều muộn khi tôi chuẩn bị đóng cửa hàng thì có một phụ huynh đăng ký cho con mình học. Tôi hẹn anh vào sáng chủ nhật ngày mai. Sáng hôm ấy, mưa như trút nước. Tôi tư lự nhìn ra bên ngoài mưa vẫn loang loáng ướt đường và lác đác bóng người đi lại. Chủ nhật nên chắc số người muốn vùng dậy khỏi chăn cũng là số hiếm.
Tôi bị ngắt dòng suy nghĩ bởi tiếng xe máy đỗ lại trước cổng. Thì ra là anh và cháu. Anh gửi con rồi cảm ơn tôi trước. Đó là một cô bé xinh xắn, chỉ duy có một điều cô bé không chào cô giáo cũng không nói. Tôi thử đủ mọi cách bé im lặng. Sau buổi làm quen ấy tôi hỏi anh thì anh thở dài tâm sự: “Cháu nhà anh mới theo bố mẹ về nước, trước đây cháu ở New Zealand từ bé nên khi về đây phải đi học thêm để đuổi kịp với các bạn khiến cháu ít nói dần đi rồi trở nên như vậy. Anh cũng không có cách nào hết, khi còn ở bên đó học vẽ là niềm đam mê của cháu tuy nhiên…” giọng anh như ngưng lại, tạm biệt cô giáo rồi hai bố con dắt xe ra về.
Bóng hai cha con khuất dần còn tôi thì trân trân không biết mình phải làm gì bây giờ. Những câu hỏi tựa tựa như trẻ con ở Newzeland học thế nào, cuộc sống ở đó ra sao, là một cô giáo dạy vẽ mình biết làm gì với bạn ấy bây giờ...
Một cô giáo lần đầu dạy học và bất đắc dĩ trở thành cô giáo dạy tâm lý. Sau một đêm mất ngủ bởi những câu hỏi cứ xoáy trong đầu, tôi mạnh dạn gọi lại cho anh và hứa chắc nịch: “Anh cứ yên tâm, anh cứ đưa bạn ấy đến em hứa giúp cháu”.
Chú chim Kiwi và cô bé trầm lặng
Từ hôm đó, buổi tối sau khi làm việc xong, tôi lại mở google tra thông tin về New Zealand mà không biết bắt đầu từ đâu, cứ đánh liều với những từ khóa “đất nước New Zealand, giáo dục New Zealand cho lứa tuổi học sinh”, ..thôi thì đủ cả để hiểu hơn về mảnh đất xa lạ này.
Buổi học thứ hai bắt đầu vào sáng chủ nhật tuần tiếp theo, tôi đã chào bạn “bé” (đó là cách tôi xưng hô với học trò của mình) bằng vốn tiếng Anh cơ bản. Tôi mỉm cười và giơ tay chào em: “Hi, how are you today?”. Cô bé có vẻ ngạc nhiên lắm và bắt đầu chào lại tôi, cả buổi học hôm ấy và những buổi học tiếp theo chúng tôi bắt đầu thân thiện hơn với cách dạy vừa học vừa chơi và coi học trò là chủ thể, dù vốn tiếng Anh của tôi bập bõm và đôi lúc phải vẽ ra cho dễ hiểu.
Giữa chúng tôi còn rào cản về ngôn ngữ, qua những bức vẽ mà em vẽ cho tôi xem tôi hiểu ra em đang vẽ về đất nước nơi em từng sinh sống. Ở đó có rất nhiều màu xanh, các bạn, lại có những bức là chiếc kem ngon ngọt nhiều màu sắc. Em kể với tôi trước kia mẹ mua cho em rất nhiều kem như thế này và em ăn thỏa thích đến mức no thì thôi, hay mỗi khi cô giáo dạy em và khiến các bạn đi học háo hức với cô G ra sao hay thầy K thế nào…Và em cũng thích được chơi trò chơi với các bạn nữa.
Những câu chuyện qua tranh vẽ về New Zealand đã giúp chúng tôi trở nên gắn bó như những người bạn. Tôi hiểu hơn về đất nước qua những nét vẽ tự nhiên đáng yêu của em, không một chút gò bó. Chắc hẳn con người nơi đây cũng dễ thương như những gì em đang vẽ và đặc biệt hơn là em đã vui vẻ trở lại, tự tin trước các bạn cùng trang lứa. Bố mẹ em thầm cảm ơn tôi bằng việc nói chuyện này với các phụ huynh ở trường khiến lớp học tôi đông hơn vào mỗi chủ nhật hàng tuần.
Thời gian trôi qua thật nhanh, gần 5 tháng chúng tôi dạy và học, cuộc vui nào rồi cũng phải có lúc kết thúc. Những tưởng có thể buộc thời gian lại để niềm vui ngừng trôi đi. Quán trà của tôi phải trả mặt bằng để chủ bán căn nhà. Chúng tôi không còn chỗ để học, ai cũng tiếc nuối nhưng nhà tôi thì ở xa. Tối muộn tôi nghe có tiếng gõ cửa, em nhờ mẹ đưa sang nhà tôi chỉ để ghé vào tai tôi thủ thỉ: “Cô ơi, con yêu cô nhất trên đời. Sau này con cũng muốn được làm nhà thiết kế như cô, con cũng không muốn rời xa cô”.
Tôi khẽ xoa đầu em và kể cho em một câu chuyện mà tôi chưa bao giờ kể với em về con chim Kiwi : “Con biết không, khi cô còn là một cô bé, cô luôn tự hỏi tại sao lại có một loài chim kỳ lạ như chim Kiwi. Không có lông cánh cũng chẳng có lông đuôi, thậm chí không biết bay nhưng chúng lại có đôi chân chạy cực nhanh và khứu giác nhạy bén để kiếm mồi mà các loài chim khác không có được. Vì thế sau này khi không có cô ở bên cạnh, con cũng sẽ làm được điều con mơ ước, chỉ cần con cố gắng hết mình”.
Như một điều gì đó thật tự nhiên, cho đến giờ khi ngồi đây viết lại những kỷ niệm này, cái duyên ngầm về chú chim Kiwi và những câu chuyện mà tôi được biết về New Zealand đã đưa tôi đến gần hơn với trẻ em, những cô bé, cậu bé đáng yêu ở khắp mọi nơi tôi đặt chân tới.
Nguyễn Hồng Nhung