- Vài tháng qua, con số tiêu thụ gần 20.000 bản cho thấy thành công nhất định của bộ sách "1987". Theo anh, sách gây chú ý với bạn đọc nhờ yếu tố nào?
- Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên gây tò mò với độc giả là ý tưởng. Có rất nhiều cuốn sách nói về thời thanh xuân, thời ấu thơ hay những giai đoạn khác nhau của cuộc đời nhưng sẽ chỉ sâu vào một thời kỳ, còn 1987 có mốc thời gian trải dài trong 30 năm qua lời kể của nhiều nhân vật. Vì mốc thời gian dài như vậy, bạn đọc có thể cảm nhận được sự thay đổi của một thế hệ, từ đó phần nào cảm nhận được sự thay đổi của đất nước từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới, thể hiện rõ rệt ở sự phát triển về công nghệ.
Một yếu tố nữa là bộ sách quy tụ được nhiều tác giả hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số gương mặt được công chúng quan tâm như Hoa hậu Ngô Phương Lan, Hoa hậu Mai Phương Thúy, diễn viên Elly Trần, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, ca sĩ Uyên Linh hay phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa. Chúng tôi đều lần đầu viết sách nên những câu chuyện kể có thể còn hơi ngây ngô nhưng gần gũi, chân thực.
- Chỉ từ ý tưởng nhỏ, đến nay, hai cuốn "1987" và "1987+" gây chú ý như một trong những"thương hiệu sách" khi nhắc về thế hệ 8x, cảm xúc của anh ra sao khi thấy đứa con tinh thần đi được chặng đường như thế?
- Tôi nghĩ thế hệ nào cũng có nhiều câu chuyện, quan trọng là chúng ta có đủ kiên nhẫn, thời gian và cảm hứng để kể hay không. Với tôi, tuổi 30 là một cột mốc đặc biệt vì khi đó, tôi đã bước qua giai đoạn mất phương hướng của thời nông nổi và tự biết bản thân muốn gì, có trách nhiệm cho từng lựa chọn của cuộc đời mình. Tôi muốn cùng những người bạn đồng niên ôn lại 30 năm từ lúc thơ bé đến khi trưởng thành trong một cuốn sách mà với tôi, nó là "để đời". Những kỷ niệm trải dài ba thập kỷ đã lưu lại quá lâu trong ký ức và chúng tôi cần phải gói ghém hành trang, đặt chân vào một hành trình mới. Ban đầu tôi nghĩ cuốn sách này như một món quà mà những người bước sang tuổi 30 tự thưởng cho mình. Với lực lượng tác giả hùng hậu chắc cũng sẽ tái bản được một lần, 4.000 cuốn là nhiều lắm rồi. Nhưng nay, cả hai cuốn được đón nhận và in mới liên tục khiến tôi vô cùng bất ngờ và hạnh phúc.
- Theo anh, sự khác biệt chung lớn nhất của thế hệ sinh ở những năm cuối 1980 là gì?
- Chúng tôi may mắn được sinh ra trong giai đoạn chuyển giao của đất nước từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới. Chúng tôi có thể không trải qua nhiều biến động, đau khổ vì chiến tranh như các thế hệ đi trước nhưng lại có cơ hội quan sát được sự thay đổi rất rõ rệt của xã hội và từ đó hình thành trong nhận thức một tư duy mới về cuộc sống. Tôi cảm thấy thế hệ 1987-1988 rất dễ tiếp nhận, thích nghi với cái mới nhưng ở chúng tôi vẫn có một phần nào đó hướng về những thứ hoài cổ, truyền thống. Cả hai thứ đó đều song hành cùng chúng tôi chứ không bị nghiêng về bên nào nhiều và rõ rệt hơn. Chúng tôi không đặt nặng trách nhiệm truyền thống như các thế hệ trước nhưng cũng sẽ không nổi loạn, cá tính mạnh như các thế hệ sau.
Ngày trước, nhiều người vẫn nói về cụm từ ổn định như là một thứ mà ai ai cũng vươn tới. Công việc ổn định, nhà cửa đầy đủ, gia đình đề huề. Có những người sẽ dành cả thanh xuân để phấn đấu cho một cuộc sống ổn định. Họ sẵn sàng chọn một công việc mà mình không thích nhưng đem lại cho họ sự nhàn hạ và khoản lương đều đặn để tích góp. Tôi hơi dị ứng với từ ổn định vì với tôi, đó là đại diện cho sự chây ỳ, lười biếng, không dám thử thách bản thân trước những điều mới. Thế hệ chúng tôi yêu thích sự phiêu lưu, chút mơ mộng, mạo hiểm nhưng cũng rất thực tế và tỉnh táo. Chúng tôi sẽ không lên gân lên cốt mỗi khi xung đột với tư duy của những người đi trước mà biết lắng nghe, dù đôi khi chỉ chắt lọc và tham khảo chứ không nghe theo sự sắp đặt hoàn toàn. Có thể gọi là "bướng bỉnh một cách âm ỉ" cũng được.
- Vượt qua bối cảnh của thế hệ 1987 và 1987+, bộ sách hướng đến điều gì là cốt lõi?
- Là chủ biên của hai cuốn sách, tôi hướng đến sự lạc quan trong cuộc sống hiện đại. Các câu chuyện của chúng tôi, có thể thấy trong đó cả sự hạnh phúc, hưởng thụ lẫn đau khổ, bi kịch nhưng được kể rất nhẹ nhàng, trong sáng và tràn đầy niềm tin. Chúng tôi có thể là một bà mẹ đơn thân, một thanh niên khởi nghiệp thất bại, một người mất phương hướng hay một người luôn bị xã hội đòi hỏi phải thế này, thế kia theo một quy chuẩn vô hình, áp đặt. Nhưng chúng tôi không bao giờ gục ngã hay ép bản thân vào một thứ gì đó miễn cưỡng chỉ để làm hài lòng người khác. Qua các câu chuyện, chúng tôi muốn thể hiện một sự chủ động trong cuộc sống. Vui hay buồn, sướng hay khổ, thích hay chán, cười hay khóc, lạc quan hay tuyệt vọng đều là do mỗi người tự lựa chọn và cảm nhận.
- Vì sao anh lên kế hoạch chuyển ngữ bộ sách sang tiếng Anh?
- Khi tôi ra mắt 1987, rất nhiều người bạn nước ngoài của tôi cũng như nhóm tác giả đều mong muốn có một phiên bản tiếng Anh để họ đọc được, biết được suy nghĩ - tâm tư của thế hệ 1987 Việt Nam ra sao trong 30 năm qua. Thật tuyệt vời là những người nhận chuyển ngữ dự án sách này đều là những người bạn của tôi, đã có thời gian hiểu nhau và thấy hứng thú với các câu chuyện trong sách. Ở phiên bản tiếng Anh, sách có tên 1987: Stories from those born in the year of Renewal, ngoài tổng hợp các câu chuyện ở cả hai cuốn sách còn có thêm vài câu chuyện mới, chỉ có ở phiên bản tiếng Anh. Tôi muốn hướng đến độc giả nước ngoài là những người muốn tìm hiểu về Việt Nam, tìm hiểu về một thế hệ người Việt được sinh ra trong giai đoạn chuyển giao lịch sử của đất nước và nay vừa bước sang tuổi 30.
- Anh còn ấp ủ ấn bản nào tiếp theo "1987+"?
- Với tôi, 1987+ đã là cuốn sách khép lại cho đề tài này. Nếu tôi tiếp tục khai thác nữa e là các cuốn sau sẽ rập khuôn và cảm giác bị thương mại hóa quá, đi sai với mục đích ban đầu. Các thế hệ sau hãy để cho chính họ tự kể những câu chuyện của mình. Tôi sẽ thử thách bản thân ở những mảng đề tài khác. Trước mắt, tôi đang hoàn thành cuốn Balo trên thảm đỏ, trong đó là những câu chuyện về giai đoạn tôi làm báo, những trải nghiệm được gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng thế giới như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tài tử Keanu Reeves, Tom Cruise hay những chuyến đi có một không hai mà nghề báo đem lại cho tôi.
Sáng 25/3, tại Hội sách TP HCM lần 10, êkíp thực hiện 1987 có buổi giao lưu độc giả, chủ đề "30 vào hạ". "Trước tuổi 30 chính là mùa xuân, đến mức chúng ta còn có từ 'thanh xuân' để ứng với giai đoạn này. Sau xuân thì sẽ là mùa hạ. Tuổi 30 sẽ là những ngày bắt đầu của một mùa hạ rực rỡ, tràn đầy năng lượng, sức sống và những khát khao cháy bỏng", nhà báo Nick M chia sẻ. Nick M tên thật là Mai Như Ngọc, sinh năm 1987. Anh là nhà báo mảng điện ảnh. |