Thu Hà -
Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cuốn tiểu thuyết đầu tay về cuộc tấn công London của nhà văn Chris Cleave - Incendiary - lại được phát hành vào đúng ngày London bị đánh bom (7/7). Dưới đây là những lời tâm sự của nhà văn về London, về cuốn tiểu thuyết ra đời trong sự kiện đau thương này. |
Thư gửi Osama
London rực cháy với những tiếng kêu la thất thanh và cuồng nộ" (WITH INCREDIBLE NOISE AND FURY) là những gì còn được ghi lại trên Đài tưởng niệm vụ hỏa hoạn khủng khiếp tại London năm 1666 [ 1].
Lúc đó người ta nghĩ rằng thế giới đã đến ngày tận thế, nhưng ngày hôm sau, người London hoàn hồn trở lại để nhận thấy thế giới vẫn còn hiện hữu và họ đã nỗ lực hết mình để xây dựng lại thành phố to lớn hơn, đẹp đẽ hơn chỉ trong 3 năm sau. Ngay cả Hitler - kẻ từng muốn nhấn chìm London trong biển lửa cũng không dập tắt nổi sức sống của thành phố này. London đã gây dựng lại từ trên đổ nát và hồi sinh một cách mạnh mẽ như là có phép màu.
Ông đã làm thương tổn đến London nhưng ông không hủy diệt được thành phố này, không bao giờ làm được điều đó. Tôi chính là London, chính là cả thế giới này. Ông có thể dội bom xuống đầu tôi nhưng ông đơn độc, ông ở về phía chỉ có một mình. Tôi sẽ tái sinh trở lại, mạnh mẽ hơn. Tôi là người phụ nữ đã đứng lên từ trái tim nát tan vì đau đớn".
(Trích tác phẩm Incendiary - Chris Cleave)
![]() |
Trang bìa tiểu thuyết "Incendiary". |
Ngày 7/7 là ngày cuốn tiểu thuyết của tôi được xuất bản, cũng là cái ngày mà thế giới tưởng tượng đầy máu và nước mắt trong tác phẩm của tôi trở thành sự thực bởi một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến lạ kỳ.
Tôi không nghĩ tác phẩm của tôi là một sự tiên tri lạ thường. Chúng ta đều biết những sự kiện tương tự như thế này đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa một giây phút nào trong suốt quá trình viết cuốn sách, tôi có thể nghĩ sự thật này lại xảy ra với London.
Vào hôm thứ năm không thể nào quên ấy, tiếng nói đau thương của nhân vật trong tác phẩm của tôi đã hòa cùng tiếng kêu la giận dữ, đau đớn, xót xa... của người dân London trước hành động tàn bạo dội xuống thành phố chúng ta. Đấy là một đêm thức trắng, tôi lắng nghe những thông tin trên TV, trên đài, trên đường phố và từ bạn bè, từ những người láng giềng của tôi.
Tôi cũng lắng nghe những động thái của London để so sánh với những gì tôi đã tưởng tượng ra trong tác phẩm.
Sự thật kiên cường hơn những gì tôi đã viết. Trong thời điểm kinh hoàng này có những điều phi thường đã hiện diện, một cách rõ ràng: đấy là quyết tâm của người London để chống trả với tội ác giấu mặt, đấy là sự bình tĩnh can trường và không hề run sợ như những gì tôi đã viết ra.
Một người phụ nữ chui ra từ đường xe điện ngầm, mặt mũi lấm lem than khói. Chị vừa thoát khỏi cái chết trong gang tấc nhưng vẫn bình tĩnh nhìn thẳng vào ống kính để thông báo rằng trong đó ngập ngụa khói và còn nhiều người cần được sơ tán khẩn cấp.
Một người đàn ông trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh vào lúc 4 giờ sáng cho biết, anh cảm thấy hối hận khi một mình thoát ra khỏi chiếc xe bus mà không nỗ lực ở lại để cứu những người bị thương.
Hàng xóm nhà tôi gõ cửa để hỏi liệu chúng tôi có cần giúp đỡ để trông nom lũ trẻ hay không. Những câu chuyện nhỏ đầy tình người như thế xảy ra trong lúc London nguy biến là những gì vượt quá sự tưởng tượng của tôi trong tác phẩm.
Sức mạnh đã giúp chúng ta vượt qua trận hỏa hoạn 1666 vẫn chưa hề mất đi, nhưng chúng ta không ngờ sức mạnh ấy trỗi dậy kiên cường đến thế.
Cùng với hàng triệu người khác ở London, điều chúng ta nghĩ đến đầu tiên khi nghe thấy thông tin khủng khiếp ấy là liệu những người thân của chúng ta có được an toàn không, Phải mất 3 giờ sau tôi mới biết vợ tôi, một người lúc đó vẫn đang làm việc tại đường xe điện ngầm, vẫn còn sống.
Đấy là 3 tiếng đồng hồ sống dậy trong tôi tất cả những nỗi đau mà nhân vật người phụ nữ trong tác phẩm đã trải qua: tiếng la hét, sự tuyệt vọng, nỗi căm thù... Đến lúc này tôi mới thật sự thấm thía những cảm giác mà tôi đã mô tả về nhân vật của mình. Mặc dù đã trải qua hàng nghìn giờ đồng hồ miêu tả tâm trạng đợi chờ một cách tuyệt vọng của người phụ nữ trong vòng xoáy điên cuồng của bạo lực, nhưng chỉ trong 3 giờ đó tôi mới thật sự hiểu được thế nào là tuyệt vọng và thế nào là hạnh phúc đến trào nước mắt khi nhìn thấy chiếc điện thoại của mình báo cuộc gọi đến của người vợ yêu thương.
Gia đình tôi đã thoát khỏi cuộc tấn công này nhưng tôi biết nói gì với những gia đình không có được may mắn như thế?
Câu trả lời tất nhiên là không thể nói được gì cả. Tôi chỉ có thể hiểu được phần nào những mất mát đã xảy ra với họ Nhưng ngày thứ năm hôm đó đã dạy cho tôi một điều rằng, tưởng tượng và hiện thực khác xa nhau rất nhiều. Trong những ngày tháng tới chúng ta sẽ lắng nghe tiếng nói của những gia đình bất hạnh, đó cũng chính là tiếng nói của London.
(Trích bài viết When lightning strikes - Chris Cleave)
(Nguồn: The Telegraph)