Ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển (cao hơn Sa Pa), hai xã Y Tý, A Lù do Đồn Biên phòng Y Tý quản lý nằm ở phía Tây huyện Bát Xát. Nơi đây quanh năm mây bao phủ nên người dân địa phương thường gọi là "cổng trời".
Những ngày cuối tháng 4, Y Tý trời mưa dầm dề, nhiệt độ khoảng 10 độ C. Mùa đông vẫn còn dai dẳng dù theo quy định, bộ đội đã phải mặc quân phục mùa hè.
"Anh em mặc đồ dã chiến dài tay, bên trong mặc thêm áo len cho đủ ấm", thiếu tá Phạm Chí Công, chốt 88, Trạm Kiểm soát Đồn biên phòng Y Tý cho hay.
Rời trạm ra chốt canh gác, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép chỉ hai ngày sau Tết nguyên đán, Công và đồng đội đã có hơn 100 ngày ăn núi ngủ rừng làm nhiệm vụ. Chốt đặt gần cuối con đường tuần tra bên sườn núi Ngải Thầu, phía dưới là khe suối Lũng Pô, nơi có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Mái lán từ ngày dựng lên thường xuyên chống chọi với những cơn mưa rừng, gió lốc, rất ít ngày được hứng nắng ấm.
Người lính có 26 năm gắn bó với biên cương nhớ rõ, trong hơn hai tháng qua đã ba lần phải di chuyển trong đêm để tránh trú khi trời nổi giông lốc. Lần đầu tiên vào đầu tháng 2, vài ngày sau lập chốt, khi ba thành viên vừa dùng xong bữa tối. Chớp giật liên hồi, gió thổi ù ù, chờ chực tháo rời từng thanh trụ lán. "Anh em di chuyển ngay về trạm để đảm bảo an toàn", sau lệnh của Đồn trưởng, Công và hai người còn lại vơ vội chiếc phích và bóng đèn tích điện, sau đó mò mẫm trên con đường lầy lội, trơn trượt để về trạm cách đó vài km.
"Chốt đặt nơi không có điểm tựa, ngẩng mặt lên thấy núi, cúi xuống là vực sâu nên cơn giông gió đã cuốn sạch từ mái lán đến chăn màn, xoong nồi, bát đũa..., chỉ còn chiếc giường trơ trọi bên sườn núi", Công cho hay.
Dựng lại lán là việc đầu tiên những người lính biên phòng phải làm ngày hôm đó. Hai người được cử về Đồn cách chốt 12 km để lấy chiếc bạt dự phòng cuối cùng trong kho. Nhưng bạt dựng lên chừng nửa tháng thì mưa gió lại ập xuống. Anh Công mở hết cửa sổ để gió lùa qua nhưng không có tác dụng, gió từ dưới thốc lên, rồi giật tung hết bạt.
Bộ đội không thể chuyển chốt đến nơi thấp, an toàn hơn vì ở điểm cao, nơi nhô ra mới giúp họ thu gọn trong tầm mắt mọi động tĩnh nơi đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Để gia cố lán tạm, thiếu tá Công cùng trạm trưởng Đỗ Tuấn Anh, các đồng đội Đỗ Quang Huy, Trần Ngọc Sang, Đinh Công Trọng... cùng nhau lên núi vác về 9 hòn đá, mỗi hòn nặng chừng 20 kg để buộc vào chân lều. Ngoài lớp bạt bên ngoài, chiếc giường ngủ được "ưu ái" che thêm tấm vải dù bên trên để hạn chế nước dột ướt chăn.
Những hòn đá núi giúp mái lán vững chãi hơn trong gió bão. Thế nhưng, nhiều hôm bộ đội vẫn phải chạy mưa giữa đêm tối. "Chúng tôi thường xuyên lên núi kiểm tra để xử lý những hòn đá có thể lăn xuống khi mưa bão. Thế mà cách đây mấy hôm, khi từ trạm ra chốt sau đêm mưa, một tảng đá to đã bị gió đẩy xuống dưới, chỉ cách mái lều khoảng 20 m", Công nói.
Thời tiết khắc nghiệt với mùa đông kéo dài đến 6 tháng, Y Tý là nơi nhiều du khách lặn lộn đến để săn mây. Nhưng với những người lính biên phòng, mây mù dày đặc lại khiến tầm nhìn của họ bị hạn chế. Những buổi đi tuần vì vậy thêm phần vất vả.
Trong điều kiện nhiệt độ thấp, những bữa cơm của lính biên phòng bám biên cũng nấu lâu hơn bình thường. Bộ đội phải nhóm củi, đợi bay hơi nước, bắt lửa mới bắc nồi lên. Có hôm nấu mãi ấm nước không thể sôi, các anh đành pha mì bằng nước ấm khoảng 80 độ. Cũng có khi bữa cơm nấu xong bị mưa gió hất đổ, mấy anh em đành ăn tạm đồ khô qua bữa.
Sau ca tuần tra, trung uý Lã Thành Trung mở điện thoại định gọi về hỏi thăm vợ con, thế nhưng điện thoại ngoài vùng phủ sóng. Anh bảo, do bị chắn bởi núi cao, sóng điện thoại ở đây chập chờn. Mạng 3G, 4G không có, thi thoảng bắt được sóng 2G song nhắn tin vài phút tin mới được chuyển đi. "Nhiều lúc muốn gọi điện video để được nhìn thấy con, hay gửi cái ảnh về cho vợ yên tâm cũng khó".
Tốt nghiệp Trung cấp Biên phòng 1 năm 2008, Trung nhận quyết định lên Lào Cai công tác. 12 năm, từ một thanh niên bước chân ra đường là lạc, đến nay Trung gần như biết hết mọi ngõ ngách, những tuyến đường dọc dải biên cương Lào Cai.
Từ tháng 7/2019 đến nay, Trung cùng đồng đội ở trạm kiểm soát biên phòng Y Tý sống và làm việc trong điều kiện không điện để chiếu sáng, nấu ăn, sinh hoạt. Trạm trưởng Đỗ Tuấn Anh cho biết, cơn giông ngày 10/3 năm ngoái làm núi sạt lở, cột điện bị đổ, đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Bảy anh em trong trạm phải góp tiền mua một chiếc máy phát điện nhỏ, phục vụ những nhu cầu tối thiểu như sạc điện thoại, thắp đèn khi ăn tối...
"Khó khăn, thiếu thốn đến đâu bộ đội cũng có thể vượt qua. Chỉ thương vợ con ở nhà lo lắng cho chồng mỗi khi có mưa bão mà liên lạc với mình không được", Trung nói.
Đồn trưởng biên phòng Y Tý Trần Mạnh Hà chia sẻ "nhiều đêm thấy gió nổi ngoài trời là không ngủ được vì lo cho an toàn của đồng đội". Ôm điện thoại gọi cho từng chốt, anh dặn "tìm chỗ trú, đảm bảo tuyệt đối an toàn".
Đồn Y Tý quản lý hơn 23 km đường biên, chốt xa nhất cách Đồn 35 km, nơi gần nhất cũng hơn 10 km trong khi đường đi lại xuống cấp, chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ. "Mùa mưa lạnh kéo dài nên chúng tôi phải luân phiên giữa các chốt, bố trí người thay để thi thoảng anh em được về đồn tắm rửa, nghỉ ngơi, đảm bảo sức khoẻ chống dịch lâu dài", trung tá Hà nói.
Để chung tay với bộ đội nơi tuyến đầu chống dịch, cuối tháng 4, Quỹ Hy vọng, Báo VnExpress và một số đối tác đã gửi tặng Bộ đội Biên phòng Lào Cai 5.000 bộ đồ bảo hộ, 2.000 khẩu trang 3D, 3.500 găng tay, 500 mũ chống giọt bắn, 200 lọ tinh dầu tỏi, 100 chai dung dịch rửa tay, 17 lều bạt, 1.000 thùng nước Lavie 1,5l và 1.000 thùng Sparkling 330ml.