Ngày 15/11, Ngô Thanh Vân và đại diện đơn vị phát hành phim Cô Ba Sài Gòn đến văn phòng công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm việc về chuyện tác phẩm bị phát tán. Nữ diễn viên bức xúc bởi ngày 13/11, một thanh niên đã quay lén trong rạp rồi livestream (phát trực tiếp) phim trên facebook vài phút trước khi đoạn video bị xóa theo yêu cầu của nhà sản xuất.
Đây không phải lần đầu một phim ở Việt Nam bị phát tán trái phép. Năm 2013, bản phim thô của Bụi đời Chợ Lớn lan truyền trên mạng sau khi phim bị cấm chiếu. Năm 2015, phim Siêu nhân X của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng xuất hiện trên một trang web xem phim trực tuyến chỉ sau ngày đầu công chiếu. Cùng năm, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Em là bà nội của anh cũng bị ghi hình và đăng lên các trang xem phim.
* Trailer phim "Cô Ba Sài Gòn"
Tính năng livestream trên facebook - xuất hiện rộng rãi trong nước từ năm nay - càng khiến việc phát tán phim dễ dàng hơn. Những hình ảnh được đăng ngay lập tức trên mạng xã hội, chỉ trong vài phút có thể thu hút hàng nghìn người theo dõi. Trong năm nay, diễn viên Kiều Minh Tuấn và nghệ sĩ Hồng Vân đều từng bức xúc khi Em chưa 18 và Xóm trọ 3D bị quay lén.
Hồi tháng 3, Kong: Skull Island - bom tấn có 70% bối cảnh tại Việt Nam - cũng bị nhiều người phát trực tiếp chỉ sau vài ngày chiếu ở Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA) sau đó gửi kiến nghị cho Bộ Thông tin & Truyền thông xử lý việc phát tán phim lậu ở Việt Nam.
Theo chia sẻ ở một hội thảo bản quyền trong năm nay, có 30-40% phim ở Việt Nam bị phát tán trái phép. Ngô Thanh Vân khẳng định hành vi này gây thiệt hại lớn cho doanh thu phim, giết chết sự phát triển của điện ảnh Việt. Ngoài ra, đạo diễn Victor Vũ bày tỏ: "Khán giả xem những bản phim sao chép với hình ảnh xấu sẽ không được trải nghiệm chất lượng thực sự của phim. Như vậy, sản phẩm của chúng tôi giảm giá trị đáng kể trong mắt họ".
Theo ghi nhận từ facebook của những người đăng tải phim, động cơ phát tán khá đa dạng như: để nhiều người cùng xem, để ghi lại khoảnh khắc thú vị hay để tìm kiếm sự nổi tiếng ảo trên mạng, như trường hợp của người quay lén Cô Ba Sài Gòn. Tại buổi làm việc với công an, thanh niên này nói quay lén để câu like, câu comment (bình luận) trên mạng, không biết việc mình làm là sai.
Trên một số trang phim, nhiều người biện hộ cho chuyện quay lén là chỉ làm "cho vui", chiếu cho những người không có điều kiện ra rạp, hoặc cho rằng nó không gây thiệt hại lớn. Fanpage của nhà phát hành cũng như một số người nổi tiếng nhiều lần lên tiếng phản đối hành vi này, nhưng dường như một bộ phận công chúng vẫn chưa thay đổi nhận thức, chưa ý thức về sai phạm trong hành vi xâm phạm bản quyền trí tuệ.
Khi hiệu quả của việc giáo dục còn chưa rõ ràng, câu hỏi đặt ra là hệ thống pháp luật sẽ làm gì để ngăn chặn việc này. Theo một số nhà phát hành, vài năm qua việc xử phạt trong nước vẫn chỉ dừng ở mức độ cảnh cáo, răn đe.
Ở Việt Nam, luật sư Phạm Thanh Bình cho biết, theo điều 27 Nghị định 131/2013, xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 15 đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, đồng thời buộc gỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số, hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170a (tội Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan) Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009, có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Theo điều 225 của Luật Hình sự 2015, tội xâm phạm quyền tác giả có thể bị phạt đến một tỷ đồng nếu là hành vi có tổ chức.
Ở nước ngoài từng có nhiều vụ việc người phát tán phim bị xử phạt nặng. Theo tờ Washington Times, năm 2016, ông William Kyle Morarity phải trả 1,2 triệu USD cho hãng Fox sau khi đăng tải hai phim The Revenant và The Peanuts Movie lên mạng. Năm 2014, một thanh niên Anh tên Philip Danks bị phạt tù 33 tháng vì ghi hình phim Fast & Furious 6 trong rạp.
Về phim của mình, Ngô Thanh Vân chia sẻ: "Lúc đầu, tôi cũng định bỏ qua hành động bộc phát này. Tuy nhiên, xét thấy đối tượng chưa nhận thức được về hành vi, tôi quyết định nhờ các cơ quan chính quyền, công an và nhà trường tham gia vụ việc. Tôi sẽ nghiêm khắc với các hành vi xâm phạm bản quyền đã và đang diễn ra". Hiện tại, cảnh sát Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để xử lý hành vi vi phạm Luật sở hữu trí tuệ của người phát tán phim.
Nhìn tổng thể, nhiều người hy vọng vụ việc phim Cô Ba Sài Gòn có thể sẽ đánh dấu chuyển biến mới trong việc chống xâm phạm bản quyền phim, khi nhận thức của công chúng phần nào được nâng lên, đồng thời hình thức xử phạt người quay lén phim mang tính răn đe hơn.
Ân Nguyễn