Theo khoản 1 Điều 33 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Khoản 1 Điều 40 của Luật này nêu, trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng.
Đối với trường hợp của chồng bạn, việc trả góp được diễn ra từ thời kỳ hôn nhân với vợ cũ nên việc xác định ai là người là chủ sở hữu căn nhà sau khi trả góp xong sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa chồng bạn và vợ cũ khi ly hôn, vào nguồn tiền trả góp sau khi kết hôn với bạn. Cụ thể:
- Nếu khi ly hôn với vợ cũ, chồng bạn nhận ngôi nhà và nhận nghĩa vụ trả góp số tiền còn lại thì ngôi nhà thuộc về sở hữu của chồng bạn, người vợ cũ không có quyền lợi gì trong ngôi nhà này;
- Nếu chồng bạn và người vợ cũ thỏa thuận cùng thực hiện nghĩa vụ trả góp số tiền còn lại thì ngôi nhà thuộc về sở hữu của chồng bạn và người vợ cũ (theo tỷ lệ trả góp của mỗi bên);
- Nếu số tiền chồng bạn trả góp sau khi kết hôn với bạn có công sức đóng góp của bạn thì bạn cũng có phần quyền sở hữu trong ngôi nhà đó.
Để xác định việc vợ cũ, con riêng của chồng cũng như bạn và con bạn có được chia tài sản đó hay không, bạn cần trao đổi với chồng để nắm được thỏa thuận cụ thể của chồng và vợ cũ khi ly hôn.
Nếu bạn chứng minh được số tiền chồng bạn trả góp căn nhà sau khi kết hôn với bạn là tài sản chung của bạn và chồng bạn thì đương nhiên bạn cũng được hưởng quyền lợi từ căn nhà này.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội