Thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25/5, ông Trương Trọng Nghĩa (đoàn luật sư TP HCM) nêu thực trạng "nhiều loại tội phạm công khai, kéo dài".
Đơn cử hàng trăm biệt thự xây dựng trái phép, nhưng khi báo chí đăng mới bị xử phạt, tháo dỡ. Trong hàng chục năm, doanh nghiệp "đã cảm nhận trái phiếu có vấn đề không rõ ràng, làm giá, một số nhóm chi phối thị trường chứng khoán". Ngành đăng kiểm ôtô cũng có vấn đề từ nhiều năm nay, nhưng vừa qua mới phát hiện ra hàng loạt sai phạm, làm tê liệt, ảnh hưởng đến kinh tế.
"Phòng chống tội phạm phải như phòng bệnh tật, cần tầm soát từ sớm, từ xa, nếu phát hiện triệu chứng thì điều trị ngay. Không nên để bệnh trở nặng như ung thư di căn mới làm cuộc đại phẫu, có khi gây tử vong", luật sư Nghĩa nói và cho rằng phòng ngừa từ sớm là tất yếu, để không xảy ra hậu quả nặng nề như các vụ án vừa qua.

Đai biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên theo ông Nghĩa, quy định pháp luật đang có bất cập giữa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm ăn và phòng chống tội phạm, tham nhũng. Vì vậy, các cơ quan khi xây dựng văn bản pháp luật, cần chia làm hai loại: Luật tạo hành lang pháp lý cho người dân làm ăn, sinh sống phải thông thoáng, không ai gây khó khăn, nhũng nhiễu; và Luật Hình sự để trừng trị tội phạm.
"Muốn trị cái xấu, tiêu cực, tham nhũng thì phải dùng Luật Hình sự. Còn lại, các luật khác phải hướng đến mục tiêu để người dân có điều kiện làm ăn", luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.
Ông cho rằng một quốc gia phát triển là tất cả quy định pháp luật phải thông thoáng, minh bạch và có thể tiên liệu, tránh tình trạng các địa phương "phải đi hỏi, xin ý kiến, nhờ luật sư tư vấn cũng không trả lời được". Cạnh đó, cần có nguyên tắc, những gì không ghi trong Luật Hình sự thì không phải tội.
"Nếu luật đã rõ ràng mà cán bộ không dám làm thì phải chịu trách nhiệm. Còn luật chưa rõ ràng thì cán bộ không dám làm để không bị sai cũng khó trách họ", ông Nghĩa nói.
Sợ sai, sợ trách nhiệm phải giải quyết bằng thể chế
Trung tướng Nguyễn Minh Đức (Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội) cũng nêu thực trạng hệ thống pháp luật nhiều nhưng không thống nhất khiến cán bộ sợ làm sai. "Sàng lọc cán bộ gắn với trách nhiệm cá nhân là đúng, nhưng phải xem lại thể chế", ông đề nghị.
Ông Đức dẫn chứng, Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể xuất khẩu sản phẩm tái chế từ rác thải. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn không xuất được vì Hải quan nói chưa có danh mục cụ thể nên không được phép. Doanh nghiệp gửi văn bản hỏi các bộ nhưng chưa nhận được trả lời rõ ràng. Có doanh nghiệp ở Hưng Yên với 3.000 công nhân đang vướng hơn 100.000 sản phẩm tái chế nên phải cắt giảm lao động.
"Tất cả những người có trách nhiệm phải trăn sở, tính toán giải pháp căn cơ, không thể để tâm lý sợ sai cản trở phát triển. Sợ sai, sợ trách nhiệm phải giải quyết bằng thể chế", trung tướng Nguyễn Minh Đức nói.

Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân cũng chỉ ra thực trạng chất lượng thể chế thấp, pháp luật không ổn định và cán bộ yếu kém đã kéo lùi phát triển kinh tế.
Ông nói có tình trạng cùng một dự án, nhưng lãnh đạo nhiệm kỳ trước ủng hộ, nhiệm kỳ sau lại thu hồi. Trong khi đó, doanh nghiệp đã đổ vào dự án hàng trăm tỷ đồng và vay vốn để trả lãi suất cho ngân hàng. "Chúng ta không trị những cán bộ như thế thì doanh nghiệp khó phát triển", ông Vân nêu quan điểm.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp chỉnh đốn đội ngũ cán bộ và đề nghị Quốc hội có chuyên đề giám sát tối cao về thực thi trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong hệ thống hành chính nhà nước, nhất là trong điều hành hoạt động kinh tế - xã hội.
Viết Tuân - Sơn Hà