Người bạn đó có vi phạm pháp luật không? Chồng tôi có thể bị liên đới hay không? Nếu vợ chồng ly hôn, khoản vay kia sẽ được xử lý ra sao?
Luật sư tư vấn
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, việc định đoạt tài sản chung phải có sự đồng ý của cả vợ chồng. Trong trường hợp này, vợ chồng bạn cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc người bạn giả mạo chữ ký của bạn để thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật.
Giao dịch này sẽ bị vô hiệu do không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Theo thông tin đưa ra, trong giao dịch này bạn không tự nguyện tham gia mà do chồng và người bạn tự ý thực hiện. Do đó, bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại điều 131 như sau:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Bên cạnh đó, người giả mạo chữ ký và chồng bạn cũng đồng ý với việc này với cùng mục đích để thế chấp nhà vay tiền ngân hàng nên họ được coi là đồng phạm, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nếu ly hôn, như đã phân tích ở trên, trường hợp tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu thì giao dịch của chồng bạn với ngân hàng sẽ bị vô hiệu, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Như vậy, chồng bạn sẽ phải trả lại khoản tiền đã vay cho ngân hàng. Bên cạnh đó, bạn là người bị lừa dối nên sẽ không phải chịu trách nhiệm với khoản vay kia.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội