![]() |
Các đại biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: Nhân Dân) |
Chia sẻ quan điểm này, bà Đinh Thị Thảo đề nghị Chính phủ làm rõ việc chạy chức, chạy quyền và báo cáo trước Quốc hội. "Các phương tiện thông tin đại chúng đã chỉ cho cử tri biết những đối tượng chạy chức từ cấp cao như thứ trưởng đến cấp thấp như trưởng thôn nhưng chạy đến ai, ai chịu trách nhiệm thì chưa nói đến". Một trong những giải pháp làm giảm tiêu cực về công tác cán bộ, theo gợi ý của đại biểu này, là nhanh chóng xóa bỏ quy định thi công chức đang áp dụng tại các bộ ngành.
Để hạn chế kẽ hở trong quản lý vốn, nhiều đại biểu đề nghị phân công một bộ chịu trách nhiệm rõ ràng, không nên có một việc mà nhiều bộ làm. Các đại biểu lấy ví dụ, ODA là vốn vay của Nhà nước, đối tác nước ngoài, nhiều bộ quản lý, giờ thất thoát như vậy, các bộ đổ lỗi cho nhau thì ai là người chịu trách nhiệm?
Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đề nghị, để chống khép kín thì mỗi bộ trưởng phải đề ra một lộ trình cụ thể, ít nhất là đến cuối nhiệm kỳ. "Khép kín sinh ra tiêu cực. Một con đường giá thành khoảng 100 tỷ đồng nhưng được nâng khống lên thành 160 tỷ, cấp trên phê duyệt cắt bớt 10 tỷ làm ra vẻ tiết kiệm nhưng thực chất lãng phí 50 tỷ rồi", ông nói.
Đại biểu Lê Quốc Dung phân tích, trong lúc đất nước thiếu nhiều vốn thì hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ngày càng thấp. Quốc lộ 1A làm đi làm lại, tháng 6 công trình phải được kết thúc bàn giao sử dụng nhưng còn 3 cầu lớn chưa được thi công. Ông Dung kiến nghị Chính phủ rà soát tổng kết và quy trách nhiệm cụ thể xem hiện nay có bao nhiêu dự án, công trình, chương trình đã đầu tư nhưng không sử dụng, đầu tư kéo dài, dở dang và kém hiệu quả.
"Vung tay quá trán"
Nhận xét về Quyết toán ngân sách Nhà nước 2004, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách Tào Hữu Phùng cho rằng, các địa phương chi quản lý hành chính vượt dự toán 100% là không chấp nhận được. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này, theo đại biểu Lê Thanh Long, là bộ máy hành chính trong 5 năm qua phình thêm rất nhiều. Một tỉnh trước chỉ có một văn phòng của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, giờ đẻ ra mỗi nơi một cái, còn thêm cả văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội.
Trong khi đó, nguồn thu ngân sách lại khiến đại biểu Nguyễn Kim Khanh lo lắng: "Báo cáo của Chính phủ cho thấy nguồn thu chủ yếu từ dầu thô, bán đất. Khi bán hết thì lấy gì để dành cho con cháu đây?".
Kết thúc buổi thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đứng lên giải trình các câu hỏi của đại biểu. Ông Hùng cho rằng, cơ quan lập dự toán dù tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia vẫn khó đưa ra con số chính xác vì những biến động thực tế khó lường: "Giá dầu chẳng hạn, cuối năm 2004 là 75 USD thùng, cuối 2005 lại xuống 45 USD, đưa vào dự toán 2006 là 55 USD thì nay lại vọt lên 70 USD".
Theo Bộ trưởng Tài chính, chi tiêu của nhiều địa phương "vung tay quá trán" là do họ lập dự toán quá thấp. Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng là "Tại sao Bộ Giao thông Vận tải đầu tư 23 dự án ngoài ngân sách vẫn được phê duyệt?", ông Hùng cho rằng quyết toán của bộ này chênh so với dự toán hơn 7.000 tỷ đồng do kỹ thuật hạch toán thay đổi.
Phong Lan