Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Như vậy, chiếc ôtô trong trường hợp bạn nêu được mua trong thời kỳ hôn nhân, bằng tiền của gia đình nên là tài sản chung vợ chồng. Việc bố bạn đứng tên trên Giấy đăng ký không đồng nghĩa chiếc xe đó là tài sản riêng của bố bạn (pháp luật hiện hành không bắt buộc phải đăng ký tên cả hai vợ chồng với phương tiện giao thông).
Về quy định tặng cho tài sản mà tài sản đó pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng như ô tô, xe máy, nhà, đất... thì hợp đồng bắt buộc phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực. Nếu là tài sản chung vợ chồng thì khi chuyển nhượng, cho tặng phải có sự thỏa thuận, nhất trí của vợ chồng.
Do vậy, việc bố bạn tự ý tặng cho chiếc ôtô là tài sản chung vợ chồng cho nhân tình là trái pháp luật. Giao dịch dân sự này bị vô hiệu do giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mẹ bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự về đòi tài sản tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Việc bố bạn tặng xe cho nhân tình chỉ đơn thuần là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu phạm tội nên không cần thiết phải gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội