Luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho hay, trường hợp của chị Hạnh được điều chỉnh bởi Luật Tố tụng dân sự và Luật Hôn nhân gia đình. Chị hoàn toàn có quyền yêu cầu được ly hôn, kể cả khi chồng đang ở nước ngoài.
Đầu tiên, Điều 56 Luật Hôn nhân quy định có thể ly hôn theo yêu cầu một bên nếu vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại không thành, tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi làm cho hôn nhân "lâm vào tình trạng trầm trọng", đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Hội đồng thẩm phán tối cao hướng dấn, hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng khi vợ hoặc chồng có quan hệ ngoại tình; đã được nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục ngoại tình.
Như chị Hạnh nói, chồng chị đã "có lỗi" một lần, được bỏ qua nhưng lại "tiếp tục với người khác". Do đó, ly hôn xảy ra do lỗi của người chồng nên chị hoàn toàn có quyền yêu cầu ly hôn đơn phương.
Chồng chị đang ở nước ngoài nên thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc tòa án cấp tỉnh theo Bộ luật Tố tụng dân sự. Tùy theo quốc gia chồng chị đang cư trú, tòa án có thể gửi văn bản triệu tập qua đại sứ quán rồi xử vắng mặt nếu anh ta từ chối.
Khi đi kiện, chị Hạnh cần chuẩn bị đầy đủ các căn cứ thể hiện hôn nhân không thể tiếp tục do lỗi của chồng chị và anh ấy không chấp hành các yêu cầu triệu tập của tòa khi còn ở trong nước.
Song Minh