Cỏ vốn quen thuộc với mọi người từ trẻ em đến người lớn, ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần nằm lăn tròn trên cỏ trong công viên hay thảm cỏ gần nhà. Cỏ được dùng làm thức ăn gia súc, được trồng trang trí khuôn viên sân nhà, là mảng xanh quen thuộc ở sân banh, sân goft, sân chơi của trẻ…
Nhóm sinh viên Đại học Quy Nhơn với đề tài “Nghiên cứu khả năng sử dụng cỏ vetiver trong việc xử lý nước thải sinh hoạt và chất hữu cơ cao”. |
Nhiều loại cỏ với các đặc tính độc đáo về hình thái, sinh lý, sinh thái sống trong môi trường tự nhiên. Chúng có thể được vận dụng để biến thành những thành tố có ích, trong đó có việc bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong nhưng đề tài nhận được nhiều mối quan tâm, nghiên cứu của các sinh viên trong chương trình Olympia. Đề tài như “Nghiên cứu khả năng sử dụng cỏ vetiver trong việc xử lý nước thải sinh hoạt và chất hữu cơ cao”; “Nghiên cứu hướng xử lý ô nhiễm chất VOC bằng cây lưỡi hổ (Sanseviera Trifasciata Prain)”… là ví dụ tiêu biểu.
Cỏ vetiver đã được trồng ở nhiều nước thuộc khu vực châu Âu, châu Á và châu Phi. Dựa trên cơ sở lý thuyết và ứng dụng vào thực nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra những mối lợi của giống cỏ này trong việc bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan. Nó có thể chịu được mức độ ô nhiễm cao cũng như chịu được hoá chất diệt cỏ và côn trùng, dễ hấp thu dưỡng chất hoà tan và kim loại nặng trong nguồn nước ô nhiễm…
Để thực hiện được đề tài này, Đặng Minh Sang - sinh viên Đại học Quy Nhơn - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết "Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là tài chính, nhóm phải xin các thầy cô hoá chất để thử nghiệm vì không đủ tiền mua. Trong quá trình trồng thực nghiệm, cỏ được đem phơi nắng để tạo ra môi trường khắc nghiệt, nhưng chỗ ở trọ của sinh viên lại rất mát mẻ. Mỗi ngày cả nhóm phải chia nhau bưng bê đưa cỏ ra dưới ánh mặt trời, thay nhau đạp xe đi lấy nước thải đem về tưới để nghiên cứu việc hấp thu chất thải độc hại của cỏ…"
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ các ngành nghề sử dụng nhiều lao động để tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, các tổ chức xã hội chính quyền tại nhiều địa phương đã có chủ trương hỗ trợ và phát triển nông nghiệp để khôi phục, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống có tính đặc trưng vùng miền. Nhóm đề tài này cũng được các sinh viên quan tâm và đưa vào nghiên cứu, dựa trên những kết quả thực tế từ các làng nghề.
Cụ thể, nghề trồng rau được triển khai các đề tài thú vị gắn liền với môi sinh xã hội như “Phát triển làng rau Trà Quế với du lịch của thành phố Hội An, Quảng Nam” hay “Quản trị chuỗi cung ứng cho vùng rau an toàn trọng điểm Tuý Loan - Đà Nẵng”.
Làng rau Trà Quế của Quảng Nam. |
Sinh viên đặt ra các vấn đề để tiến hành nghiên cứu, phân tích, dựa trên thực trạng của nghề rau Trà Quế, từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả của mô hình trồng rau kết hợp du lịch sinh thái. Đề tài đã nêu lên điểm ứng dụng tốt là mô hình làng nghề trồng rau cũng có thể được áp dụng, triển khai cho các làng nghề truyền thống khác.
Nhu cầu sử dụng rau an toàn cũng là một nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thực tế dân sinh thông qua đề tài “Chuỗi cung ứng rau an toàn”. Đề tài nghiên cứu này đưa ra các hạn chế vì sao chuỗi cung ứng rau ở vùng Tuý Loan của hợp tác xã bị thất bại, qua đó xây dựng việc quản trị chuỗi cung ứng theo mô hình doanh nghiệp. Đây được xem là hướng đi mới, có thể ứng dụng vào thực tiễn kinh doanh các loại nông sản khác.
Ngọc Điệp