"Thuốc vào cơ thể đau bao nhiêu, vẫn không so được với nỗi đau trong lòng", Nguyễn Nhiên, 27 tuổi, ở Đà Nẵng, kể.
Hơn bốn năm yêu và cưới, Nhiên nói luôn ghen với thú vui này của chồng. Trước khi cưới hai người yêu xa, cô biết anh Tiến thích game nhưng không rõ mức độ. Khi họ kết hôn vừa đúng thời điểm bùng dịch Covid-19, Tiến làm sales có nhiều thời gian rảnh, anh chơi đủ loại game.
Đêm nào anh chồng trẻ cũng chơi thâu đêm, sáng rõ mới lên giường ngủ. Chiều anh dậy đi làm 1-2 tiếng, sau đó về nhà lại ôm điện thoại liên tục đến sáng hôm sau. "Tôi thèm một bữa cơm gia đình nhưng cũng khó vì giờ giấc sinh hoạt của chồng bị đảo lộn", Nhiên tâm sự.
Cô vợ trẻ buồn vì cả ngày chồng nói với mình được vài câu trong khi buôn chuyện rôm rả với bạn game. Khi cô nấu món ngon, anh vẫn say ngủ sau những trận chiến. Anh có thể chìm trong thế giới ảo đến đau đầu mệt mỏi, nhưng dẫn vợ ra ngoài lại không muốn.
"Tôi đâu cấm cản chồng có thú vui riêng, nhưng đến mức độ như vậy nhiều lần tự hỏi có nên tiếp tục cuộc hôn nhân này không", cô nói.
Đây không phải là câu hỏi của riêng Nhiên. Trò chơi điện tử chiếm 10-12% trong các thủ phạm gây ra mâu thuẫn hôn nhân, theo giáo sư Vũ Gia Hiền, chuyên gia tư vấn tâm lý cá nhân và gia đình.
Trang Divorce Online thống kê đàn ông chơi game là nguyên nhân gây ra ít nhất 15% các vụ ly hôn ở nhiều quốc gia khác nhau. Một thống kê khác của công ty này cho thấy có 200 đơn ly hôn ở Anh vào năm 2018 chỉ ra Fortnite - trò chơi điện tử sinh tồn nổi tiếng - là lý do khiến họ muốn ly hôn.
Trong số gần 400 người tham gia khảo sát của VnExpress mới đây, 39% cho biết có chồng ham mê hoặc nghiện game.
"Ma túy, rượu chè, cờ bạc thường là nguyên nhân khiến các mối quan hệ tan vỡ, nhưng các năm gần đây đang tồn tại một chứng nghiện mới có sức phá hủy hôn nhân mà ít ai để ý là game", giáo sư Hiền nói.
Kể từ khi ra đời vào những năm 1970, trò chơi điện tử đã có những bước tiến mạnh mẽ. Ước tính của GlobalData, thị trường trò chơi điện tử có thể trở thành một ngành công nghiệp trị giá 300 tỷ USD vào năm 2025.
Ngày càng có nhiều người tìm đến game như một lối thoát khỏi những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày. Thanh Hoa, 34 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội đã phải một mình chèo chống gia đình ba người và trả nợ cho chồng trong hơn hai năm dịch. Còn chồng cô làm bạn với máy tính sau thất bại kinh doanh gây ra khoản nợ 200 triệu đồng.
Ban đầu Hoa không phiền việc chồng chơi điện tử, bởi thương anh thất nghiệp, chơi cho đỡ buồn, "miễn không rượu chè, cờ bạc, gái gú". "Nhưng rồi tôi nhanh chóng nhận ra mình đã sai lầm", cô nói.
Hai mẹ con chị Hoa thường xuyên bị tra tấn tinh thần vì những cơn cay cú thua game hay đứt mạng của chồng. Mỗi lúc vậy anh la hét, đập chuột, bàn phím, bàn ghế. Vài lần tiếng đập bàn và chửi thề của chồng lúc nửa đêm làm hai mẹ con bừng tỉnh.
Bận đi làm từ sáng tới khuya, Hoa những tưởng yên tâm vì có chồng trông con, nhưng anh mặc cho con xem iPad hoặc lê la hàng xóm, cho ăn mỳ tôm triền miên. Con quấy là bị bố đánh. "Từ lúc chìm vào game, anh như thành con người khác", cô kể.
Chuyên gia Vũ Gia Hiền cho rằng ngay từ đầu Hoa cũng như nhiều khách hàng tìm đến ông đều tưởng chơi game không nguy hiểm. "Đang có một tư tưởng rằng chơi game là thú vui, vẫn lành hơn ăn nhậu hay chơi những thứ khác. Nhưng thực tế game kích động đam mê và khai thác cạn kiệt đam mê đến mức mất đi ý chí", ông phân tích.
Một khi lún sâu vào game, người chơi sẽ đánh mất ý chí, hủy hoại đời sống tinh thần, mất đi nỗ lực phát triển kinh tế, học hành, không chú ý đến tình cảm vợ chồng, mê muội trong đời sống giả định. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc, các loại game có tính chiến đấu, bạo lực ảnh hưởng đến tính cách người chơi. Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định nghiện game quá mức là một chứng bệnh rối loạn tâm thần mới.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương, Hà Nội cũng cho biết đã tư vấn cho nhiều đôi xung đột vì game. Gần đây có một cô gái mới làm vợ bốn tháng đã muốn ly hôn vì hàng đêm phải ngủ một mình, còn chồng chơi ở phòng khác.
Chuyên gia khuyên các chị em có chồng mê game nên quay về yêu thương chính mình. Đừng vì chồng "bận chơi game" mà khiến mình trở nên xấu xí, kém duyên. "Phụ nữ luôn là một cá thể có thể sống độc lập. Có chồng thì cuộc sống vui và dễ dàng hơn. Nếu chồng 'bận', chúng ta vẫn có nhiều niềm vui và giá trị sống khác", chuyên gia nói.
Còn với nam giới, có hai nguyên nhân chính khiến họ đam mê game là tìm vui và lẩn trốn ưu phiền. Theo chuyên gia, có ba bước thay đổi một người chồng này.
Đầu tiên, tạo ra cho chồng những "ván game" bằng cách yêu cầu chồng san sẻ việc nhà. Thứ hai, coi chồng như bạn để tâm sự cảm xúc khi chồng chơi game, tránh những từ có thể hiểu thành sự phán xét hay trách móc. Thứ ba, nói với chồng những mong muốn hay mục tiêu cần phải đạt được thời gian tới để cả hai triển khai.
"Thường 100% những người vợ làm đúng đến đây, chồng nghiện nặng cỡ mấy, chỉ cần chưa chuyển hóa thành bệnh tâm thần, đều thành công", chuyên gia nói.
Hồi mới lấy vợ, anh Đông, 28 tuổi, ở TP HCM cũng nghiện game. Vợ và mẹ nói nhiều nhưng anh vẫn chứng nào tật đấy. Có những ngày anh chơi thâu đêm suốt sáng, ăn tại chỗ, quên cả đi vệ sinh. Nhưng kể từ khi vợ trao lại gánh nặng áp lực kinh tế, việc nhà, chăm con, người đàn ông này buộc phải thay đổi. Giờ đây, anh chuyên tâm làm kinh tế và chuyển từ nghiện game sang nghiện con.
Sau hơn hai năm lúc nào cũng trong vòng xoáy buồn tủi vì chồng mê game, rồi tự thuyết phục bản thân ít ra chồng vẫn giỏi kiếm tiền, Nhiên bắt đầu nghĩ khác. Cô tìm các sở thích cá nhân như tập múa, yoga với bạn. Từ khi có con, cô ít còn sầu não vì chồng.
Đó cũng là cột mốc Tiến thay đổi. Vì cha mẹ hai bên đều bận công tác, Tiến buộc phải hỗ trợ vợ chăm con, thời gian chơi game bị hạn chế rất nhiều. Nhiều hôm Nhiên tắm rửa xong vào đã thấy hai bố con lăn ra ngủ. "Các cụ nói 'nhàn cư vi bất thiện', tôi nghiệm ra cứ giao việc cho chồng, ắt anh ấy bớt các thứ vô bổ", cô chia sẻ.
Đầu năm nay vợ chồng Nhiên mở quán cà phê. Vì chưa thuê được nhân viên, nên Tiến buộc phải phụ vợ phục vụ quán. Anh chồng trẻ cho biết từ đó chỉ còn tranh thủ chơi được 1-2 tiếng mỗi ngày. "Chơi game cuốn hút lắm", anh nói lý do vẫn chưa cai được.
Riêng Hoa, chuyện chồng chơi game không chỉ còn xả stress như cô nghĩ. Đầu năm ngoái, cô phát hiện chồng nhắn tin với bạn gái trong game. Cô vợ ảo còn không cho chồng cô được lấy ai khác. Khi Hoa nói chuyện này, chồng liền nạt nộ "chỉ là thế giới ảo".
Song Hoa thực sự bị qua mặt. Chỉ hơn một tháng sau khi tìm được việc, chồng cô chuyển ra ngoài sống với lý do "đi tìm tình yêu của đời mình". Đến giờ, Hoa vẫn trong vũng lầy của cuộc hôn nhân, chưa biết nên rũ bỏ hay chịu đựng.
Phan Dương