Bà Nhân sống ở Bắc Ninh, kết hôn năm 1990. Hai vợ chồng có 4 con, lớn nhất đã 29 tuổi, bé trai nhỏ nhất mới sinh năm ngoái nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội.
Năm 2017, vợ chồng bà Nhân đã sàng lọc được hai phôi và chuyển một phôi vào tử cung vợ cuối tháng 12. Tháng 9/2018, bà sinh bé trai. Phôi còn lại, hai vợ chồng quyết định gửi lại Trung tâm để cấp đông lưu trữ.
Tháng 4, bà Nhân bất ngờ nhận được cuộc gọi của Bệnh viện Bưu Điện hỏi về tình hình sức khỏe thai nhi. Bà Nhân nói mình vừa sinh xong, còn bệnh viện thì khẳng định bà vừa được chuyển phôi vào ngày 2/4, và chồng bà mới báo bệnh viện biết "vợ đã đậu thai".
Nghi ngờ phôi bị đánh cắp, bà Nhân làm việc với bệnh viện và tra hỏi chồng. Lúc này, ông chồng thừa nhận lấy phôi của vợ cho một người phụ nữ 45 tuổi ở Bắc Giang mang thai.
Theo xác minh của bệnh viện, hồi tháng 2, chồng bà Nhân đưa một người phụ nữ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện để làm thủ tục lấy phôi vợ đang lưu giữ tại đây.
Đại diện bệnh viện cho biết chồng bà Nhân trình giấy ủy quyền của vợ, lấy chứng minh thư và giấy tờ cần thiết tên bà Nhân. Khi nhân viên của bệnh viện rà soát thông tin trước khi chuyển phôi, người phụ nữ cung cấp toàn bộ dữ liệu, nhận mình là bà Nhân và trả lời đúng hết các câu hỏi của nhân viên y tế về ngày đăng ký kết hôn, tên các con...
Bà Nhân cho biết không hề làm các giấy tờ này, cũng không thực hiện chuyển phôi còn lại.
Ngày 11/10, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện, cho biết khi nhận được phản ánh của bà Nhân, Trung tâm đã rà soát.
Quy trình làm thụ tinh ống nghiệm ở trung tâm rất chặt chẽ. Để làm thủ tục lọc trứng, chuyển phôi, gửi phôi đều phải có CMND, giấy đăng ký kết hôn của 2 vợ chồng bản gốc và có chữ ký của cả hai.
Mỗi ngày trung tâm chuyển phôi cho 10-20 trường hợp. Khi rà soát, chia thành 4 lớp, lớp đầu tiên rà soát giấy tờ, lớp thứ 2 rà soát khi thay quần áo, bước 3 là trước khi cắm chuyền và lần cuối là trước khi chuyển phôi.
"Chúng tôi có ngân hàng câu hỏi để kiểm tra như tên chồng, tên con, ngày đăng ký kết hôn, nơi đăng ký kết hôn. Nếu trả lời sai, bệnh viện sẽ yêu cầu phải check lại vân tay", bà Nhã nói.
Trường hợp này, chồng bà Nhân và người phụ nữ kia có đủ hết giấy tờ bản gốc. Cô ta trả lời khớp tất cả các câu hỏi của nhân viên y tế, đặc biệt lại ngang tầm tuổi bà Nhân nên bệnh viện không phát hiện ra sai sót nào.
"Ảnh trên CMND cách đây hàng chục năm lại mờ nhòe thì rất khó để phát hiện ra không phải cùng một người", bà Nhã nói.
Bà Nhã thông tin thêm, chồng bà Nhân đã tính toán rất kỹ để có thêm được một cáp phôi. Cáp này ghi chi tiết tạo được bao nhiêu phôi, đã chuyển phôi ngày nào, còn lại bao nhiêu phôi. Phải có cáp này mới có thể làm thủ tục chuyển phôi.
Khi vợ ở nhà chăm con, ông chồng đã bảo vợ đưa tiền đến bệnh viện đóng tiền cáp lưu phôi. Vài ngày sau, người chồng quay lại bệnh viện báo bị mất cáp trên đường về và làm đơn xin cấp lại cáp mới nên bệnh viện đã đồng ý cấp lại.
Do toàn bộ hồ sơ chuyển phôi lần hai đều mang tên bà Nhân, số điện thoại của hai vợ chồng, nên theo quy định, sau 14 ngày chuyển phôi, bệnh viện gọi gia đình để hỏi xem đã mang thai chưa. Lần đầu gọi, bà Nhân không nghe máy, khi bệnh viện gọi cho ông chồng thì được thông báo vợ đã đậu thai. Lần thứ hai, bệnh viện gọi điện sau khi phôi đậu 21 ngày để hỏi tình hình tim thai, lần này bà Nhân nghe máy nên vụ việc mới vỡ lở.
Qua trường hợp này, bà Nhã cho biết bệnh viện đang lắp hệ thống nhận diện vân tay và mống mắt, mỗi trường hợp sẽ có mã số riêng. Trước khi chuyển phôi sẽ yêu cầu kiểm tra cả hai vợ chồng, chính xác mới được lấy phôi.
* Tên người vợ đã được thay đổi.