Mới đây, Tổ chức Phong trào Olympic (Olympic Movement) đã chính thức công nhận sự bình đẳng cho cộng đồng người đồng tính trong lĩnh vực thể thao. Theo đó, các vận động viên và cổ động viên đồng tính, song tính được bảo vệ bằng những cam kết chống phân biệt đối xử. Đây là một cột mốc quan trọng trong quá trình đấu tranh nhằm đem lại sự bình đẳng trong thể thao cho cộng đồng LGBT khi mà vấn đề xu hướng tình dục chưa được thừa nhận và tôn trọng.
Theo MSMGF, Ủy ban Olympic Quốc tế đã thể hiện lập trường cứng rắn khi quyết định đẩy mạnh hơn nữa sự bình đẳng trong thể thao nói chung bằng việc thêm khái niệm khuynh hướng tình dục vào điều khoản “Principle 6” trong chính sách chống phân biệt đối xử. Động thái này đã nhận được sự đồng tình của thành viên trong cộng đồng LGBT và các nhà nhân quyền.
Năm ngoái từng xảy ra tranh cãi dữ dội về vấn đề này trong kỳ Thế vận hội Olympic mùa đông diễn ra ở Sochi, Nga. Vào thời điểm đó, nước Nga đã đưa ra nhiều đạo luật chống đồng tính và tổ chức hàng loạt hoạt động chống đồng tính quy mô lớn, ảnh hưởng không nhỏ lên hoạt động mùa Thế vận hội. Ủy ban Thế vận hội và các nhà tài trợ đã không thể buộc Nga bãi bỏ những đạo luật bị các nhà hoạt động nhân quyền lên án là “sặc mùi kỳ thị” này.
Sau đó các tổ chức vận động vì quyền của người LGBT đã gửi lời kêu gọi chống kỳ thị người đồng tính với hơn 300.000 chữ ký đến Ủy ban Thế vận hội. Gần 80.000 bức email của người đồng tính và dị tính cũng được gửi tới Ủy ban với mong muốn đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT. Hàng chục nghìn lời đề nghị khác cũng yêu cầu Ủy ban Thế vận hội xem xét đến khả năng không tổ chức Olympic ở các quốc gia có chủ trương kỳ thị người đồng tính.
Sau quá trình đấu tranh kéo dài hơn một năm, Tổ chức Olympic Movement đã đi đến một quyết định vô cùng quan trọng là thêm điều khoản không phân biệt đối xử về khuynh hướng tình dục vào bộ nguyên tắc ứng xử chung trong làng thể thao quốc tế. "Theo đó những vận động viên và cổ động viên đồng tính, song tính trên toàn thế giới đã có được sự bình đẳng đáng có”, ông Andre Banks, Giám đốc điều hành của nhóm quyền đồng tính All Out chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh: “Đây là một mốc son quan trọng cho sự bình đẳng trong thể thao”.
"Không có cách nào hay hơn, không có lời lẽ nào mạnh mẽ và có tính thuyết phục hơn trong suốt cuộc đấu tranh chống kỳ thị đồng tính trong thể thao bằng tuyên bố của Ủy ban Olympic, đơn vị tổ chức hoạt động thể thao lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Khi họ nói đủ, đó là lúc tất cả chúng ta thừa nhận là đủ”, đó là phát biểu của ông Hudson Taylor, giám đốc điều hành của Athlete Ally, một tổ chức bảo vệ quyền của người LGBT.
Bên cạnh đó, nhiều nhóm cũng bày tỏ mong muốn Ủy ban thế vận hội đưa vấn đề bản dạng giới vào quy định để bảo vệ luôn cả đối tượng chuyển giới khi tham gia làng thể thao. Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp thuận.
Việc bổ sung khái niệm xu hướng tình dục vào nguyên tắc chống phân biệt đối xử sẽ được đưa vào hợp đồng ký kết trong tương lai giữa Ủy ban Thế vận hội và các đơn vị đăng cai. Đây sẽ là chuẩn mực nhằm giải quyết các tranh chấp và xử lý hành vi sự kỳ thị đồng tính trong làng thể thao. Động thái này của Ủy ban Olympic quốc tế cũng đặt áp lực lên Hiệp hội bóng đá FIFA, đặc biệt trong kỳ World Cup sắp tới dự kiến diễn ra ở Nga vào năm 2018 và ở Qutar vào năm 2022.
Hiện nay, tại thủ đô Moscow, Nga, toàn bộ hoạt động diễu hành của người đồng tính Gay Pride diễn ra hằng năm đều bị nghiêm cấm. Quốc gia này mới đây đã thông qua những đạo luật chống đồng tính rất nghiêm khắc. Còn tại Qatar, quan hệ đồng giới được cho là phạm luật và có thể bị kết án tù. Quốc gia này cũng phủ nhận quyền tham gia thi đấu của các vận động viên đồng tính.
Thúy Ngọc