Tôi và chồng cưới nhau được 13 năm, có đủ nếp đủ tẻ. Cả hai đều là giáo viên, kinh tế bình thường, đi lên từ bàn tay trắng, hai bên nội ngoại không giúp gì. Có điều vợ chồng tôi khắc khẩu, thường xuyên cãi nhau. Tính tôi thẳng thắn, có gì nói luôn. Còn chồng tôi ích kỷ, lúc nào cũng chỉ lo cho mình và gia đình nhà mình mà không bao giờ quan tâm đến suy nghĩ của vợ. Trong gia đình, hầu như tôi phải làm hết mọi việc, anh ít khi phụ giúp, nhiều lần cãi nhau cũng từ việc này. Khi cãi nhau, anh sẵn sàng nói những lời thóa mạ, xúc phạm vợ. Tôi rất tổn thương, giờ đây với tôi tình cảm cũng không còn. Tôi nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng lại chùn bước vì 2 con.
Một chuyện nữa cũng khiến tôi rất mệt mỏi là vấn đề kinh tế. Ông bà nội có lương hưu, dù không cao nhưng cũng đủ chi phí, dù vậy hàng tháng chồng tôi vẫn phải gửi tiền phụ thêm. Chưa kể mọi việc lớn nhỏ trong nhà, chúng tôi đều phải lo hết. Điều đáng nói là ông bà tiêu xài rất hoang phí. Ông bà mặc nhiên chồng tôi là con trai, phải lo cho bố mẹ, trong khi kinh tế của chúng tôi cũng không dư dả gì. Tôi muốn xin chuyên gia và mọi người lời khuyên nên làm gì trong hoàn cảnh này.
Hiền
Chuyên gia tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:
Gửi Hiền,
Qua những điều trên, có thể thấy khó khăn của gia đình bạn xuất phát từ những nguyên nhân sau: (1) Giao tiếp giữa hai vợ chồng bạn diễn ra khó khăn, thông điệp chính được đưa ra không rõ ràng, từ đó dẫn đến đấu khẩu và trách móc nhau. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể viết ra giấy, sau đó đưa cho chồng những điều bạn muốn nói, nhất là những chuyện liên quan đến tài chính, nghĩa vụ chăm sóc con cái của chồng, những việc bạn đã làm, những mục tiêu gia đình muốn đạt được.
(2) Trách nhiệm của mỗi người với gia đình riêng: bạn kể mình phải cáng đáng hết mọi việc trong gia đình. Ở khía cạnh này, hai bạn cần ngồi nói chuyện với nhau một cách cụ thể những việc nào vợ làm, chồng làm. Riêng về khía cạnh tài chính, bạn nên liệt kê chi tiết một tháng gia đình mình chi hết bao nhiêu tiền; cần phải tiết kiệm bao nhiêu để phòng ốm đau, dành cho con cái sau này; một phần dành cho phụ giúp nhà nội, nhà ngoại. Sau đó, bạn và chồng cùng lập kế hoạch chi tiêu. Chú ý là trong đó có phần đóng góp tài chính của chồng bạn. Ở đây, hai bạn cùng đi làm, cùng có lương và phải cùng đóng góp tài chính chứ không phải chỉ có bạn lo hết, còn chồng bạn sử dụng tiền lương vào những việc cá nhân.
(3) Những xung đột giữa hai vợ chồng nhiều khi còn xuất phát từ việc bạn luôn cảm thấy không thoải mái vì chồng lo toan cho bên nội, đặc biệt trong bối cảnh bố mẹ chồng có lương, họ ăn tiêu thoải mái còn bạn phải lo toan và tằn tiện. Chồng bạn có thể có suy nghĩ kiểu như "trẻ cậy cha, già cậy con", nên cần giúp bố mẹ khi về già, nhưng anh ấy lại quên rằng các con bạn cũng đang cần sự giúp đỡ của người bố. Chồng bạn cần phân bổ nguồn lực sao cho phù hợp, giữa trách nhiệm làm con, trách nhiệm làm cha mẹ và hạnh phúc cá nhân. Hai bạn nên nói chuyện với nhau về khía cạnh này.
(4) Nguyên nhân cuối cùng là tình cảm giữa hai vợ chồng, chuyện tình dục ngày càng xấu đi khiến cuộc sống căng thẳng, dẫn đến cãi nhau. Hai bạn nên để ý và cải thiện khía cạnh này.
Hai vợ chồng bạn đã nói chuyện với nhau và cố gắng cải thiện nhưng sau 6 tháng không giải quyết được, các bạn nên đi gặp trực tiếp một chuyên gia tham vấn gia đình để được giúp đỡ. Còn nếu vợ chồng bạn không cố gắng thay đổi, không đi tham vấn, tiếp tục cuộc sống cãi nhau, việc ly thân và ly hôn là khó tránh khỏi, hoặc các bạn luôn phải sống với nhau trong đau khổ.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 0966 581 270. Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.