Người chồng cho biết vợ đau bụng dữ dội từ nhà, đi được 20 phút thì phải dừng lại bên đường để sinh, hôm 20/2. Do đường vắng, không có người giúp đỡ, anh vừa theo dõi vợ vừa gọi tổng đài trực cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh, cách đó khoảng hơn 10 km.
Nhận được cuộc gọi khẩn cấp, các y bác sĩ hướng dẫn người nhà và sản phụ cách hít sâu, thở đều và bình tĩnh trong lúc đợi xe cấp cứu. Cùng lúc đó, bệnh viện huy động một đội cấp cứu ngoại viện đến hỗ trợ sản phụ. Một phút sau, bé gái chào đời.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Phụ Sản Bệnh viện đa khoa Hưng Thịnh, cho biết đây là trường hợp khá hy hữu, người phụ nữ 34 tuổi, mang thai lần ba, thai 39 tuần, đang di chuyển thì có dấu hiệu chuyển dạ, được chồng đỡ đẻ tại chỗ.
Khi bác sĩ đến nơi, người chồng đã đỡ "mẹ tròn con vuông", bé gái nặng 3,1 kg. Các bác sĩ dùng ô để che cho hai mẹ con, vệ sinh, ủ ấm, cắt dây rốn cho trẻ, sau đó chuyển hai mẹ con về bệnh viện.
Hiện tình trạng hai mẹ con sản phụ ổn định.
Theo bác sĩ, các sản phụ trong những tháng cuối thai kỳ cần kiểm tra sát sao tình trạng thai nhi và cẩn trọng các dấu hiệu báo chuyển dạ như đau bụng từng cơn (gò tử cung), trằn bụng, ra nhớt hồng, có cảm giác muốn đi đại tiện. Các dấu hiệu đa dạng và đôi khi chuyển dạ diễn tiến nhanh, đặc biệt là với người đã từng sinh nở.
Chuyển dạ sinh con trên đường hoặc nơi công cộng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe mẹ và bé. Sản phụ rất dễ băng huyết sau sinh vì không có thuốc hỗ trợ co hồi tử cung, không cầm máu được nếu rách tầng sinh môn. Ngoài ra, người mẹ có thể bị sót nhau, sổ nhau muộn, gây băng huyết...
Do đó, khi có các dấu hiệu chuyển dạ như đau bụng, cảm giác muốn đi đại tiện kèm vỡ ối, cần đến bệnh viện ngay. Nếu không kịp di chuyển, gia đình nên gọi cấp cứu khẩn để được hỗ trợ hiệu quả và nhanh chóng nhất.
Thùy An