Trời chạng vạng, ngồi trong nhà, ông Huỳnh Nguyên, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bật công tắc. Cách đó vài trăm mét, ruộng hành 700 m2 của ông bừng sáng với ánh điện vàng của năm bóng đèn chữ U 15W.
Thôn Thanh Thủy được mệnh danh là thủ phủ hành tím trong đất liền ở Quảng Ngãi, chỉ sau Lý Sơn. Khi chiều ngả dần về tối, toàn bộ cánh đồng hơn 120 ha lại được thắp sáng bởi ánh điện từ các bẫy đèn bắt bướm.
Ông Nguyên kể, cánh đồng hành luôn bị đe dọa bởi các loài sâu bọ, đặc biệt là các loài sâu đục thân gây hại cho cây hành. "Con sâu trú ẩn vào thân cây hành ăn chất cay nên có sức đề kháng rất mạnh, vì vậy diệt sâu bọ luôn là bài toán nan giải với người dân vùng này", ông Nguyên nói.
Bằng kinh nghiệm dân gian, từ xưa, người dân đã dùng đèn dầu đặt lên thau nước để thu hút bướm. Những phương pháp này rất tốn công sức, không có hiệu quả cao vì đèn sẽ tắt khi có gió mưa.
Năm năm trước, người dân được Trung tâm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn phương pháp dùng bẫy đèn để bắt bướm, ngăn chúng sinh sản. Phương pháp này kết hợp cùng các biện pháp bảo vệ thực vật khác đã giúp người dân ngăn ngừa đáng kể sâu bọ phá ruộng.
Dụng cụ bẫy đèn rất đơn giản, chỉ cần một nắp chụp bằng nhôm để che đèn, một thau hoặc thùng nước đặt phía dưới. Bướm thường bay vào các bóng đèn và rớt xuống thau nước phía dưới. Để diệt bướm khi rơi vào bẫy, người dân phải trộn dung dịch nước rửa chén vào thau và thay nước hàng ngày.
"Cứ bật điện lên để nguyên đêm, sáng ngày ra lấy thau nước đi đổ. Hồi đầu tháng, sáng nào cũng cả trăm con đầy thau, giờ còn chục con mỗi đêm", ông Nguyên nói và cho biết trung bình mỗi sào hành (500 m2) thường phải giăng khoảng 4 bóng điện.
Ông Nguyễn Ân, trồng hai sào hành cho biết phải giăng 7 bóng điện thắp sáng ruộng hành dù mưa hay nắng. "Có bướm thì mình bật điện lên để đỡ tiền thuốc sâu", ông nói. Còn ông Lắm, người trồng 10 sào hành thì phải giăng gần 40 bóng điện.
Phương pháp bẫy đèn được hầu hết hộ trồng hành áp dụng, trừ những hộ có rẫy hành ở xa. Việc áp dụng đồng bộ hạn chế được việc sâu bọ, dịch bệnh lây chéo. Tuy nhiên, người dân cho biết, bướm cũng đã bắt đầu "biết khôn", né bẫy đèn ra ruộng. "Chỉ cần một con bướm đẻ hàng trăm trứng là đủ quậy ruộng tưng bừng", ông Nguyên nói.
Ông Lê Văn Khoa - Trưởng trạm khuyến nông huyện Bình Sơn cho biết, phương pháp bẫy đèn được trung tâm tập huấn cho người dân năm năm trước, sau đó được người dân nhân rộng. "Sâu bọ là loài có xu tính ánh sáng mạnh, khi thấy ánh sáng sẽ bay vào", ông Khoa lý giải.
Song, trước tình trạng sâu bọ hoành hành vụ hè năm nay, bẫy đèn và các phương pháp bảo vệ thực vật chỉ có thể cứu vãn phần nào thiệt hại. Ông Võ Chanh - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Hải cho biết, vụ này, xã Bình Hải trồng khoảng 120 ha hành, trong đó 40% bị hư hại do sâu bọ.