Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này. Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Với quy định nói trên thì mặc nhiên căn nhà vợ chồng bạn xây dựng là tài sản chung vợ chồng. Thửa đất (quyền sử dụng đất) mà ngôi nhà tọa lạc là tài sản riêng của chồng. Tuy nhiên, với cách làm trên của chồng bạn thì có thể thấy chồng bạn đã chuyển hóa tài sản chung vợ chồng thành tài sản riêng của anh ta.
Sẽ có hai tình huống pháp lý là bạn biết hoặc không biết việc chồng dùng tiền bán nhà để mua nhà khác nhưng để mẹ của chồng bạn đứng tên (ví dụ sau khi bán nhà thì bạn ra nước ngoài công tác hoặc sau khi bán nhà, chồng bạn là người giữ tiền, anh ta đã lén lút thực hiện chuỗi hành vi nói trên mà bạn không biết).
Dù trường hợp nào thì khi ly hôn, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh tài sản chung, riêng của vợ chồng.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, trước khi nộp đơn ly hôn, bạn cần thu thập một số tài liệu, chứng cứ sau:
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh ngôi nhà được xây dựng sau khi kết hôn.
- Hợp đồng thuê khoán xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng (nếu có).
- Tài liệu, chứng cứ về việc hai vợ chồng góp tiền xây nhà (sổ tiết kiệm, sao kê tài khoản ngân hàng, giấy vay nợ người khác, hợp đồng vay vốn ngân hàng, bảng lương, thu nhập của vợ chồng, lợi tức từ đầu tư kinh doanh để có tiền xây nhà).
- Chứng từ chuyển khoản, hóa đơn, biên lai thanh toán cho bên cung cấp vật liệu xây dựng, chủ thầu xây dựng hoặc văn bản xác nhận của những người này hoặc của những người làm chứng khác mà họ biết sự việc vợ chồng bạn bỏ tiền ra xây nhà hoặc biết ngôi nhà được xây dựng vào thời điểm sau khi kết hôn.
- Đối với những người mà bạn nhận thấy không thể đề nghị họ xác nhận bằng văn bản như chồng bạn, bạn của chồng, những người thân thích, họ hàng của chồng thì bạn có thể ghi âm, ghi hình cuộc nói chuyện sau đó nhờ Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng đoạn hội thoại. Bạn chú ý băng ghi âm không được cắt xén và cần lưu thêm bản dự phòng; Vi bằng phải được lập từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hội thoại. Một vi bằng có thể chứa nhiều hội thoại của bạn với các chủ thể khác nhau. Để tránh bị nghi ngờ, đề phòng, bạn cũng có thể nhờ người khác nói chuyện với những người nói trên và sau đó vi bằng hóa các đoạn hội thoại này.
- Các tài liệu, chứng cứ chứng tỏ bạn không biết chồng bạn đã mua nhà nhưng để mẹ đứng tên như vé máy bay, hộ chiếu có dấu xuất cảnh, hồ sơ bệnh án của bạn nếu bạn nằm viện, giấy tờ đi công tác...
- Trường hợp hợp đồng bán nhà của vợ chồng bạn được công chứng thì bạn cần thu thập hợp đồng này (liên hệ với văn phòng công chứng để cấp lại bản sao nếu bạn không còn giữ bản chính) hoặc văn bản xác nhận của bên mua nhà nếu hợp đồng mua bán viết tay mà bạn cũng không còn giữ bản chính hợp đồng này.
- Văn bản xác nhận của bên bán nhà cho chồng bạn với nội dung trong quá trình họ bán nhà thì người xem nhà, giao dịch đặt cọc, mua nhà, người trực tiếp thanh toán đều là chồng bạn chứ không phải là mẹ chồng bạn thông qua các tài liệu như hợp đồng đặt cọc, chứng từ chuyển tiền...
- Thu thập lời khai của những người biết về nguồn thu nhập, tích lũy của mẹ chồng bạn. Trong một số trường hợp, người đứng tên trên giấy chứng nhận không chứng minh được họ đã mua bằng tiền của họ thì đây cũng là một trong những cơ sở xác định việc thực chất tài sản đang tranh chấp là của ai.
Trong đơn ly hôn, bạn có quyền đề nghị tòa án xác định một phần hoặc toàn bộ ngôi nhà đứng tên chồng bạn là tài sản chung vợ chồng và yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng theo quy định của pháp luật.
Vụ việc bạn nêu là tương đối khó với một người có hiểu biết thông thường về pháp luật. Do vậy, trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, bạn có thể nhờ những người có kinh nghiệm, hiểu biết tư vấn, hỗ trợ bạn về mặt pháp lý để quyền lợi của bạn được bảo vệ tối đa.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội