Tôi lập gia đình được 9 năm, kinh tế ổn định. Chồng tôi có tính hay ghen, ban đầu đánh thì tôi bỏ qua. Tính đến hiện tại, anh đã đánh tôi 4 lần. Anh thường ghen bóng ghen gió, thấy tôi đứng gần, nói chuyện bình thường với người khác giới hoặc bắt tay là ghen. Sau đó, tôi cũng cố gắng hạn chế tiếp xúc với đàn ông. Chồng thường xuyên đi nhậu, một tháng chỉ ở nhà vài ngày, mỗi lần bị bạn bè khích bác, nói lung tung là lại về gây sự rồi dọa tôi.
Sau mỗi lần bị đánh, tôi có nhẹ nhàng nói chuyện, phân tích cho chồng hiểu, anh cũng khóc lóc, xin lỗi và xin tha thứ. Gia đình chồng cũng khuyên nhủ, anh hứa nhưng vẫn không thay đổi được. Khi không nhậu, anh thương yêu vợ con hết mực, nhưng cứ bị bạn bè khích là như biến thành người khác. Tôi muốn chồng đừng đi nhậu nhưng hễ bị bạn nói sợ vợ là anh lại đi. Giờ tôi có tâm lý rất sợ chồng, lúc nào cũng cảm thấy nơm nớp. Cách đây vài hôm, chồng vừa đánh tôi, giờ anh năn nỉ nhưng tôi có nên tin nữa không và không biết nên làm gì cho tốt? Thực sự tôi không muốn ly hôn vì còn con cái. Mong chuyên gia và độc giả tư vấn giúp tôi.
Thương
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm gợi ý:
Chào bạn Thương,
Bạn đang bị bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần, tức là bạn vừa bị đánh đập vừa bị hăm dọa, chửi mắng, ghen tuông, nói những lời xúc phạm. Là do chồng bạn có vấn đề về tâm lý cá nhân. Chồng bạn có thể đã bị những sang chấn tâm lý nào đó trước khi lập gia đình. Chẳng hạn: lớn lên trong gia đình đổ vỡ, do ba hoặc mẹ ngoại tình khiến anh ta mất niềm tin vào hôn nhân; hoặc là anh ta từng bị phản bội, người yêu bỏ rơi nên luôn sợ hãi, nghi ngờ không có tình yêu chung thủy trên đời; hoặc từng bị tổn thương trong một gia đình bạo hành từ nhỏ... Ngoài ra cũng có thể chồng bạn rơi vào tình trạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Anh ta mang vấn đề tâm lý cá nhân này vào hôn nhân, tạo nên những bi kịch trong gia đình.
Bạn cho biết bình thường khi không nhậu chồng bạn rất tốt, nhưng khi anh ta say rượu thì không làm chủ được lời nói, hành động, anh ta không còn là chính mình, dễ bị khích bác, đánh vợ... Vậy thì chồng bạn chắc hẳn có vấn đề về tâm thần kinh, nên anh ta rất dễ bị mất kiểm soát về cảm xúc và hành vi. Chồng bạn nên được thăm khám và trị liệu về thần kinh, tâm lý nếu bạn muốn chuyện bạo hành gia đình này kết thúc.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét lại hiện trạng cảm xúc và suy nghĩ của mình, tại sao đến lúc này bạn cảm thấy nhiều sợ hãi, lo âu... Bạn có biết, sống chung với người chồng có vấn đề về tâm thần kinh, bạn đã bị ảnh hường đến sự lành mạnh trong sức khỏe tâm thần. Thêm vào đó, cách mà bạn dễ dàng tha thứ mỗi khi chồng đánh đập, nói lời xúc phạm, ghen tuông vô lối, cách bạn bao dung thiếu nghiêm khắc đó làm cho chồng bạn trở nên lờn mặt. Bạn đã gián tiếp củng cố hành vi bạo hành của chồng.
Đừng nghĩ rằng bạn sinh ra là để làm thiên sứ, cứu chuộc cho cuộc đời chồng. Những lần chồng xin lỗi, van nài cho bạn cảm giác chỉ có bạn mới là người thấu hiểu và thương yêu chồng nhất, là người chồng cần nhất trên đời. Đó là cái bẫy của đa số đàn bà bị bạo hành, khi cho rằng chỉ có mình mới hiểu và thương anh ta. Một số nghiên cứu tâm lý cho rằng, có thể chính bạn cũng có những tổn thương tuổi thơ, là nạn nhân của bạo hành gia đình nên bạn mới bị hút bởi người đàn ông bạo hành, có cách suy nghĩ và chấp nhận chịu đựng như vậy, là do sự lệ thuộc vào quá khứ của bạn.
Bạn hãy mạnh dạn nói cho chồng biết suy nghĩ của mình về mối quan hệ hôn nhân này, bàn bạc với chồng để giúp anh ta đi trị liệu, may ra bạn mới có thể tiếp tục duy trì hôn nhân với anh ta. Nếu không bạn nên nghĩ đến giải pháp cách ly sớm với sự bạo hành cả về thể xác và tinh thần này.
Chúc bạn mạnh mẽ.
Muốn được chuyên gia tâm lý tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.