Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương nhận xét hiện nay lương của cán bộ, công chức còn mang tính cào bằng, chưa tương xứng với sức lao động. "Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến một bộ phận công chức chưa phát huy hết khả năng làm việc, nhũng nhiễu, cản trở công dân khi thực thi công vụ", bà Hương nói.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương đề nghị nâng lương cho công chức. Ảnh: TTXVN. |
Lý giải hiện tượng cơ quan nhà nước đang yếu đi vì mất dần cán bộ, đại biểu Nguyễn Thành Tâm nói: "Chúng ta biết là mỗi người khi làm việc đều có hai động lực. Thứ nhất là thu nhập và thứ hai tinh thần, trong đó thu nhập là chính. Hiện nhiều công chức rất băn khoăn về thu nhập".
Ông Tâm đánh giá dự luật quy định "tiền lương được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước" là quá chung chung, công chức không thể hình dung sẽ được hưởng mức thu nhập như thế nào. "Luật nên đặt ra một chỉ tiêu định lượng có thể giúp công chức có cơ sở để hướng đến", ông đề nghị.
Quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm công chức còn nhiều tiêu cực
Từng nhiều lần đề cập trên diễn đàn Quốc hội về nạn chạy chức, chạy quyền, hôm nay, đại biểu Lê Văn Cuông lại lên tiếng: "Chạy chức, chạy quyền có biểu hiện gia tăng, nhất là trong quá trình bầu cử và sắp xếp tổ chức nhân sự. Mặc dù về mặt pháp lý quy định như hiện nay khá chặt chẽ, qua nhiều cấp giới thiệu, phát huy dân chủ, nhưng thực tế con voi vẫn chui lọt lỗ kim. Bởi ở nhiều nơi dân chủ chỉ là hình thức, còn quyền quyết định bổ nhiệm vẫn thuộc về một nhóm người, thậm chí chỉ ở người đứng đầu".
Từ thực tế trên, đại biểu này đề xuất dự luật bổ sung nguyên tắc bổ nhiệm phải dân chủ, công khai, minh bạch, tạo tính cạnh tranh bình đẳng. Phương thức bổ nhiệm phải có nhiều ứng cử viên cho một vị trí lãnh đạo, các ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động trước hội đồng thẩm định. "Ngành giáo dục đang có phong trào chống ngồi nhầm lớp, Quốc hội chúng ta đang bàn luật cán bộ, công chức nhằm tạo nên thiết chế để chống ngồi nhầm ghế", ông Cuông nói.
Đại biểu Lê Văn Cuông đề nghị cần chống ngồi nhầm ghế trong đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: TTXVN. |
Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh lại nhìn thấy một thiếu sót rất lớn của dự luật là chưa quy định rõ phương thức, tiêu chí đánh giá công chức, trong khi "hiện việc đánh giá còn mang nặng tính hình thức, nể nang, dựa vào chủ quan, cảm tính". Rất chia sẻ ý kiến này, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương cho rằng cần vận dụng một số nguyên tắc quản trị nhân lực trong doanh nghiệp vào hệ thống hành chính.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm đề xuất nên đưa vào luật một quy định nào đó để người dân có giao dịch với các cơ quan nhà nước được tham gia đánh giá công chức. "Việc này rất bình thường mà hiện nay luật chúng ta chưa đưa ra, nhưng ở một số quốc gia người ta đã làm", ông Tâm nói.
Công chức phải phục vụ dân một cách vô điều kiện
Chưa bằng lòng với 14 nhóm việc cán bộ công chức không được làm như trong dự luật, đại biểu Huỳnh Văn Tý đề nghị bổ sung quy định cấm mọi trường hợp vi phạm về nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong việc xem xét, bố trí cán bộ, hoặc lợi dụng tình cảm thân quen nhận, đưa quà cáp biếu xén để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
Ông Tý cũng cho rằng nên cấm bố trí dâu, rể của cán bộ quản lý cơ quan nhà nước vào các vị trí trong công tác tổ chức nhân sự, kế toán, tài chính, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đó. Hiện dự luật mới cấm bố trí công chức có bố, mẹ; vợ hoặc chồng; con; anh chị em ruột giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có quan hệ trực tiếp giữa cấp trên và cấp dưới với nhau trong lĩnh vực nhạy cảm trên.
Đại biểu Nguyễn Quy Nhơn đề nghị bổ sung quy định cán bộ, công chức phải gần dân, lắng nghe ý kiến của dân, phục vụ quên mình vì lợi ích của nhân dân một cách vô điều kiện. "Thực tế một bộ phận cán bộ công chức trong thực thi công vụ còn thể hiện quan liêu, xa rời quần chúng, gây phiền hà nhũng nhiễu cho dân, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước", ông Nhơn giải thích.
Hồng Khánh