Khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con; con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Quy định con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con không đồng nghĩa con có nguyện vọng ở với ai thì tòa án sẽ giao cho người đó trực tiếp nuôi dưỡng. Việc giao con cho ai trong mọi trường hợp đều phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của đứa trẻ.
Với các quy định nói trên, về nguyên tắc, bạn vẫn có thể được tòa án xem xét, quyết định cho trực tiếp nuôi dưỡng hai cháu.
Để làm được điều này, bạn cần phải chứng minh việc để hai cháu sống với bạn sẽ tốt hơn như bạn có thời gian dành cho các con, điều kiện thu nhập, kinh tế, chỗ ở, nghề nghiệp ổn định, trong khi vợ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Các căn cứ có thể là vợ bạn không có thu nhập, không có việc làm và cũng không có tiền tích lũy để nuôi con, không có thời gian dành cho con cái hoặc mắc tệ nạn xã hội, có hành vi, lối sống vi phạm pháp luật...
Tuy nhiên, sau khi ly hôn thì việc giao con có thể bị thay đổi khi cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con hoặc khi người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Về vay nợ trong thời kỳ hôn nhân
Theo khoản 2 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình, vợ chồng có nghĩa vụ chung đối với nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Điều này có nghĩa, nếu vợ hoặc chồng vay tiền để chi tiêu cho các mục đích của gia đình như ăn uống, học tập, chữa bệnh, mua sắm vật dụng gia đình... thì khoản nợ này được xác định là nợ chung.
Nếu ly hôn thì vợ chồng có nghĩa vụ ngang nhau trong việc trả nợ. Trường hợp vay nợ vì những mục đích khác mà không đáp ứng nhu cầu thiết yếu thì người vay có nghĩa vụ tự thanh toán khoản nợ đó.
Với quy định nói trên, việc bạn có phải trả nợ hay không với các khoản do vợ bạn tự ý vay tùy thuộc vào các khoản vay đó sử dụng vào mục đích gì, không phụ thuộc việc bạn biết hay không biết khoản vay đó.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội