"Muốn chút gì đó ấm không?", Mick Fleming, người điều hành tổ chức từ thiện Church on the Street, nói khi đưa ra một tách trà. Đó là câu hỏi duy nhất ông đặt ra với những người bước chân vào nhà thờ của ông ở Burnley, miền bắc nước Anh. Dù vậy, nhiều người vẫn kể cho ông nghe những câu chuyện về cách họ vật lộn với cuộc khủng hoảng vật giá tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Ông đã được nghe họ kể về việc tích trữ nến và chăn, không dám bật lò sưởi giữa mùa đông vì giá điện quá cao hay phải bỏ bữa vì không đủ tiền mua thức ăn. "Hôm trước, một phụ nữ ôm tôi khóc khi chúng tôi giúp cô ấy có chỗ sưởi ấm", linh mục Fleming cho hay.
Fleming, 56 tuổi, cũng có câu chuyện đặc biệt của riêng mình. Ông từng là một tay buôn ma túy nhưng cuối cùng quyết định thay đổi cuộc đời và trở thành linh mục. Ông đã nỗ lực để giúp đỡ mọi người thoát khỏi cảnh nghèo đói suốt hơn 10 năm qua. Fleming cho biết thời gian gần đây, số người cần giúp đỡ bất ngờ tăng vọt.
Burnley được cho là nơi có chi phí sinh hoạt cao nhất trong số các thành phố và thị trấn ở Anh. Lạm phát trung bình cả nước của Anh hiện ở mức 10,7%, gần mức cao nhất trong 40 năm, theo số liệu được chính phủ công bố hôm 14/12.
Nhưng do tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, mức độ tăng giá thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng cũng có sự khác nhau giữa miền bắc và miền nam đất nước. Nhiều thành phố ở Scotland, miền bắc nước Anh, và Bắc Ireland đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với miền nam.
Tại Burnley, thành phố có dân số khoảng 90.000 người, lạm phát ước tính lên đến 12,4%, trong khi tiền lương ở đây thấp hơn so với hầu hết các thành phố khác. Người dân phải chi nhiều tiền cho xăng hơn vì phụ thuộc vào xe hơi cá nhân, trong khi nhiều 3/4 hộ gia đình ở đây bị xếp hạng là có hiệu suất sử dụng năng lượng kém hiệu quả do nhà cửa tồi tàn, cách nhiệt kém.
Để sưởi ấm những ngôi nhà như vậy vào mùa đông đặc biệt tốn kém. Điều này được thể hiện rõ ràng trong tuần qua, khi tuyết rơi dày phủ kín gần như toàn bộ nước Anh và nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng.
Chi phí sưởi ấm trong nhà gia tăng khiến ngày càng nhiều người tìm đến những hình thức hỗ trợ do nhà thờ của linh mục Fleming cung cấp: Một không gian để sưởi ấm, một bữa ăn nóng miễn phí, vòi sen nước nóng, quần áo cũ và dịch vụ giặt là.
"Số người đến với chúng tôi đã tăng gấp đôi", Fleming nói. Hóa đơn điện của nhà thờ do ông quản lý cũng tăng gấp đôi trong năm qua.
"Tôi cần lò sưởi để giữ ấm", Mandy Cook, 48 tuổi, vừa ăn bánh táo vừa nói chuyện với hơn 10 người dân địa phương khác đang tập trung tại nhà thờ của linh mục Fleming. "Đáng lẽ bạn không cần phải mặc áo khoác trong nhà mình", bà nói thêm, giải thích rằng bà đang mắc một căn bệnh về hô hấp.
Anh chủ yếu dựa vào khí đốt tự nhiên để sưởi ấm nhà cửa và phát điện. 85% số hộ gia đình được sưởi ấm bằng lò hơi đốt gas. Chính phủ đang trợ cấp hóa đơn năng lượng trong mùa đông này nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá nhiên liệu tăng cao. Nhưng hóa đơn điện hàng tháng của một hộ gia đình trung bình vẫn rơi vào khoảng 260 USD, gấp đôi số tiền mà người dân phải trả một năm trước. Con số dự kiến còn tăng hơn nữa vào tháng 4, khi một số khoản trợ cấp kết thúc.
Ashley Davidson, 32 tuổi, thợ cắt tóc ở Burnley, cho biết anh đã phải tìm đủ mọi cách để trang trải hóa đơn năng lượng. Hai tháng trước, anh đã chuyển sang sống trong một chiếc nhà di động, sưởi ấm bằng lò đốt củi. "Nó rẻ và bạn có thể thức dậy ở một địa điểm mới mỗi ngày", anh nói. "Nhưng mặt trái là bạn có thể thức dậy trong cảm giác lạnh cóng".
Davidson, tình nguyện viên tới thực hiện dịch vụ cắt tóc miễn phí mỗi tuần tại nhà thờ của Fleming, cho biết hóa đơn điện là chủ đề anh thường xuyên trò chuyện với khách hàng.
"Mọi người đều bị ảnh hưởng nặng nề, đây là một thành phố thu nhập thấp", anh nói.
David Allen, 62 tuổi, cố vấn sức khỏe tâm thần làm việc tại nhà thờ, cho hay ông đã cố gắng giảm chi phí bằng cách chỉ sưởi ấm một phòng trong nhà, mặc áo khoác kể cả khi không ra ngoài và sử dụng túi sưởi. Ông thường lui đến thư viện địa phương vì nơi này ấm áp và có Internet miễn phí. Đôi khi, ông cũng tìm tới các điểm phát thực phẩm miễn phí.
"Tôi phải cẩn thận với tiền bạc", ông nói. "Người lao động đang ngày một nghèo đi".
Chính phủ Anh cho biết họ đang nỗ lực bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và giới chức lưu ý rằng lạm phát hiện đã vượt quá các khoản trợ cấp và lương hưu, nhưng các khoản này sẽ được điều chỉnh lại vào mỗi mùa xuân.
Dù vậy, nhiều người cho rằng hỗ trợ của chính phủ vẫn là chưa đủ. Linh mục Fleming nhấn mạnh "xã hội và chính phủ" cần phải có phản ứng mạnh mẽ hơn trước cuộc khủng hoảng, "chứ không phải dựa vào một linh mục lớn tuổi với cái đầu hói và cặp kính râm".
Hồi đầu năm, hai y tá chăm sóc sức khỏe tâm thần do chính phủ tài trợ đã tham gia nhóm Church on the Street của Fleming. Tuy nhiên, Fleming cho biết vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo.
Giữa cuộc trò chuyện, một người đàn ông ngoài 30 tuổi bước vào nhà thờ. "Muốn chút gì đó ấm không?", linh mục lặp lại câu hỏi quen thuộc của mình.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)