Ngày 23/5, tại hội thảo "Quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam" ở Hà Nội, Thứ trưởng Văn hóa Đặng Thị Bích Liên cùng nhiều lãnh đạo ngành văn hoá được báo cáo thực trạng quản lý 7 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới gồm: Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Phố cổ Hội An; Di tích Chăm Mỹ Sơn; thành nhà Hồ; quần thể Di tích cố đô Huế; vịnh Hạ Long; vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
Nhiều thành tựu trong công tác quản lý, bảo tồn được ghi nhận như: quy hoạch bảo tồn tổng thể các Di sản thế giới, thông quan đó, các khu di sản đều đã được tu bổ, bảo quản, chống xuống cấp…
Một vấn đề lớn mà các đại biểu trăn trở khi báo cáo là quy định, quy chế quản lý di sản thế giới ở Việt Nam chưa đồng bộ. Đặc biệt sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành gây nhiều trở ngại trong quá trình vận hành công việc và xử lý những vấn đề nảy sinh từ hoạt động thực tiễn.

Thứ trưởng Liên cho rằng, bức xúc lớn nhất hiện nay là sự chồng chéo trong quản lý khiến công tác bảo tồn di sản gặp khó khăn. Ảnh: Bộ Văn hoá.
"Bộ máy quản lý các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam hiện nay thiếu đồng bộ, việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý ở địa phương còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới", Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Thế Hùng nói.
Vị lãnh đạo này lấy dẫn chứng rằng, trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế là đơn vị cấp sở, trực thuộc sự quản lý của ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ lại là đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa; trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An và Ban quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn là các cơ quan chức năng trực thuộc huyện/thành phố của tỉnh…
Trực tiếp tham gia đơn vị quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn – ông Lê Trung Hòa, Phó chủ tịch huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đồng tình với chia sẻ của Cục trưởng Cục Di sản. Theo ông, Ban Quản lý Mỹ Sơn được trao quyền, phân cấp nhưng lại không được tự chủ trong các hoạt động quản lý. Thẩm quyền quản lý Di sản của cấp huyện bộc lộ vướng mắc chồng chéo với cấp trên trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, lập dự án, kêu gọi.
Đồng quan điểm, đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nêu, vườn quốc gia là đơn vị trực thuộc tỉnh Quảng Bình, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh. Tuy nhiên cấp địa phương, ban quản lý vườn là đơn vị sự nghiệp có thu, chịu sự quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp về lâm nghiệp và thuộc sở Văn hóa, về du lịch. "Nhiều khi có có vấn đề xảy ra, chúng tôi muốn giải quyết sớm cũng không được", đại diện này nói.
Việc chồng chéo trong quản lý, theo Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long Phạm Thùy Dương giống như “chủ nhà lại không có cơ chế, chức năng xử lý những vi phạm xảy ra trong chính ngôi nhà của mình”. Các vi phạm cũng khó giải quyết nhanh chóng, triệt để được.
Qua phản ánh của ban quản lý 7 di sản thế giới, thứ trưởng Bộ Văn hoá cho rằng, 55 Luật di sản đã quy định, bộ Văn hóa chịu trách nhiệm và phối hợp với các địa phương thực hiện quản lý đối với các di sản, tuy nhiên, "vẫn còn chồng chéo quản lý giữa các bộ ngành, giữa các cơ quan trung ương và tỉnh thành, huyện xã...". Thứ trưởng cho rằng, cách giải quyết duy nhất các vấn đề trên là có sự phối hợp, phân cấp về quản lý rõ ràng. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch sau hội thảo này sẽ rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại.
Quỳnh Trang