![]() |
Ảnh minh họa: Stevemehta.wordpress.com. |
Vợ chồng em lấy nhau 5 năm, có hai con, kinh tế eo hẹp. Chồng em mới chuyển chỗ làm, lương cao hơn, nhưng em chưa kịp mừng thì đã lo: anh đi làm thêm thường xuyên, cả thứ bảy, chủ nhật.
Anh đi làm quần áo láng mướt, chải chuốt hơn trước kia nhiều, lại về trễ, đôi khi trên áo còn có dấu. Mới đây, trong điện thoại anh có tin nhắn khác lạ. Người giới thiệu anh vào đó làm kể, sếp nữ của công ty đã trung niên, đẹp và giàu, độc thân, thường mời những người đàn ông ở công ty đi ăn ngoài, đi đánh tennis... Có vẻ như chị ta đang "quấy rối" chồng em. Em hỏi, chồng bảo mình mới vào làm, phải lấy lòng sếp, chỉ mong kiếm được nhiều tiền nuôi vợ con. Em thật sự không an tâm chút nào. Em phải làm sao? (Vân, quận 6, TP HCM)
Trả lời:
Đúng là không thể kiếm tiền nhiều bằng mọi giá. Em lo lắng như vậy cũng phải, nhưng mặt khác, nếu cứ vì lo lắng mà bỏ qua những cơ hội thì gia đình em khó thoát cảnh "eo hẹp". Chồng em không phải là trẻ mới lớn, đồng ý phải giữ gìn, nhưng cũng phải có bản lĩnh để đáng mặt nam nhi.
Có một số giới hạn mà em và chồng em phải cùng thống nhất, vừa để anh ấy giữ mình, vừa để em bớt lo lắng. Ví dụ, thái độ, hoàn cảnh của sếp nữ như thế nào, công việc cụ thể của chồng em là gì. Nếu chồng em kể với em được hết những chuyện này, em sẽ giúp anh ấy tránh được những tình huống dễ sa ngã.
Đàn ông có khi chủ quan, trong tâm thế luôn muốn che chở, san sẻ, muốn là chỗ dựa cho người yếu đuối hơn mình... nên có thể bị lừa vào tròng vì cái "sĩ" hão đó. Còn trong trường hợp thấy rõ người ta lợi dụng công việc để quấy rối mình thì đàn ông họ cũng thấy nhục, chứ không đến nỗi "bán mình" đâu em. Hãy đặt lòng tin vào sự tử tế của chồng và hãy giúp anh ấy tránh xa nguy hiểm. Hãy giúp anh ấy nhận ra đâu là kiếm tiền bằng năng lực làm việc, bằng trí óc của mình, đâu chỉ là việc chiều lòng sếp nữ bằng mọi giá.
Ngoài ra, em có thể tìm cách chứng tỏ sự hiện diện của mình: em có thể thông qua chồng em gửi tặng sếp nữ một món quà nhân 8/3, nhân sinh nhật, hay đơn giản chỉ là thay cho lời cảm ơn vì đã giúp đỡ vợ chồng em. Em có thể cùng chồng đến thăm chị ấy. Một đôi lần, có thể đề nghị chồng ở nhà thứ bảy, chủ nhật vì con ốm hay vì việc gia đình... Như vậy, người phụ nữ làm sếp như chị ấy cũng có cái tinh tế để biết tiến biết thoái, chứ không đến nỗi khăng khăng "quấy rối" cấp dưới cho bằng được. Chúc em vững vàng cùng chồng "gỡ rối" thành công.
(Theo Phụ nữ)