Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, quy định về các hành vi bạo lực gia đình như: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa mọi người với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục...
Đặc biệt, một trong những hành vi bạo lực đáng quan tâm là, ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
Từ đó có thể thấy, việc chồng cấm vợ về quê ngoại ăn tết, chồng bắt vợ rửa bát dọn nhà dịp tết có thể bị coi là hành vi "ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ". Bởi thế, việc chồng bắt vợ dọn dẹp ngày Tết hay kể cả những ngày bình thường chính là hành vi bạo lực gia đình.
Về mức phạt, mục 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP đã quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu có hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè; không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
Hiện nay các hành vi bạo lực gia đình có xu hướng ngày càng gia tăng về cả tính chất và mức độ. Có nhiều hành vi bạo lực diễn ra trong gia đình, gây bất bình xã hội nhưng chưa được nêu cụ thể trong luật. Trong bối cảnh như vậy cần phải làm rõ và bổ sung một số hành vi bạo lực gia đình. Ví dụ, bổ sung hành vi "gián tiếp" gây ra bạo lực gia đình và đặc biệt là bảo vệ hiệu quả quyền của người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Luật sư Nguyễn Đức Thịnh
Công ty Luật TNHH Fanci